EVNNPT đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

"Cây sáng kiến" của Công ty Truyền tải điện 3: Nghĩ mới để có thêm nhiều sáng kiến hay

Ngày đăng: 4/2/2024 11:23:03 AM

17 năm công tác trong ngành Điện, với hơn 20 sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý vận hành, tăng năng suất lao động cho Truyền tải điện Bình Định nói riêng, Công ty Truyền tải điện 3 nói chung, kỹ sư Nguyễn Duy Cường – Tổ trưởng Tổ thao tác lưu động Quy Nhơn được gọi là “cây sáng kiến” của Công ty.

Không ngừng sáng tạo từ thực tiễn công tác

Công việc của Tổ thao tác lưu động Quy Nhơn gắn liền với hoạt động của các trạm biến áp không người trực, trong đó có Trạm biến áp 220kV Quy Nhơn – được ví như “cửa ngõ” phát triển phụ tải khu vực Bình Định và các vùng lân cận. Ngoài công việc bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, kỹ sư Nguyễn Duy Cường và các anh em còn liên tục nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm từ công việc để thúc đẩy những giải pháp hữu ích cho quá trình vận hành an toàn lưới điện. 

Là người chịu trách nhiệm chính của Tổ thao tác lưu động Quy Nhơn, kỹ sư Cường luôn nỗ lực, chủ động vận hành hiệu quả, tin cậy lưới truyền tải. Thực tế, việc vận hành đầy tải, quá tải các đường dây khi thay đổi sơ đồ phương thức vận hành hoặc do truyền tải các nguồn năng lượng tái tạo lên hệ thống 500kV, dẫn đến tăng tần suất công tác soi phát nhiệt các điểm đấu nối. Để có thể đánh giá đúng việc gia tăng nhiệt độ tại điểm phát nhiệt tương ứng với dòng tải, nhiêt độ môi trường thì việc cập nhập thông số vận hành tại thời điểm đo là rất quan trọng. Anh và đồng nghiệp phải thường xuyên kiếm tra thiết bị nhất thứ, các điểm đấu nối, soi phát nhiệt thiết bị nhằm phát hiện sớm những nguy cơ để xử lý kịp thời.

Kỹ sư Nguyễn Duy Cường (bên phải) cùng đồng nghiệp kiểm tra lưới điện tại TBA 220kV Quy Nhơn

Trong quá trình vận hành thực tế, cái khó “ló” cái khôn. Anh đã nghiên cứu và đề xuất “Giải pháp cập nhật thông số vận hành các đường dây 220kV theo thời gian thực trên nền tảng Web phục vụ công tác quản lý vận hành áp dụng tại Truyền tải điện Bình Định”.

Giải pháp này khi đi vào thực tiễn đã hóa giải những bất lợi, thủ công của việc cập nhật thông số từ các trạm biến áp. Nếu trước đây, những người đi kiểm tra hiện trường khi phát hiện các thông số bất thường của các thiết bị trên lưới điện, trong trạm biến áp, sẽ phải gọi điện để báo các thông số vận hàn, thì với giải pháp này, người đi thực tế hiện trường có thể cập nhập thông số vận hành các đường dây 220kV theo thời gian thực trên nền tảng Web, thông qua thiết bị smart phone. Từ đó nhân viên vận hành có thể xem số liệu đúng thời điểm kiểm tra, vừa đưa ra phương án xử lý một cách kịp thời.

Hay sáng kiến “Xây dựng phần mềm giám sát vận hành tập trung áp dụng tại Trạm biến áp 220kV Quy Nhơn” của nhóm anh Cường được triển khai, đã giúp công tác vận hành được thuận lợi. Cụ thể, trạm biến áp 220kV Quy Nhơn được xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 1994, với hệ thống điều khiển kiểu truyền thống. Từ năm 2019 đến nay đã chuyển sang chế độ vận hành trạm biến áp không người trực. Với các Trạm biến áp không người trực, nhu cầu công việc rất cần tự động hóa và được giám sát tập trung như: Việc giám sát cảnh báo đột nhập tường rào, tín hiệu báo cháy, điều khiển cửa cổng, giám sát hệ thống acquy online kết hợp tự động xuất thông số acquy để theo dõi là lưu trữ,…

Tuy nhiên, với các công việc đơn lẻ, việc thuê công ty ngoài để gia công phần mềm sẽ gây tốn kém về kinh phí và không có danh mục để đầu tư. Sau quá trình tìm tòi, nghiên cứu, anh Cường cùng đồng nghiệp đã xây dựng thành công phần mềm giao diện quản lý giám sát tập trung áp dụng tại Trạm biến áp 220kV Quy Nhơn một cách hiệu quả.

Anh Hà Văn An – Trưởng Kíp Tổ Thao tác lưu động Quy Nhơn cho biết: “Chúng tôi đón nhận và áp dụng những sáng kiến của anh Cường như một nhu cầu thiết cốt của thực tế công tác. Các phần mềm đã hỗ trợ anh em rất nhiều khi kiểm tra ngoài hiện trường, giúp chúng tôi nắm bắt nhanh chóng các hiện tượng đầy tải và quá tải. Hơn nữa, với đầu vào là các số liệu chính xác, chúng tôi có thể lập kế hoạch để điều tiết truyền tải đúng lúc, đúng nơi trên toàn hệ thống”.

“Cháy” với “lửa” nghề

Sinh 1983, quê gốc ở Nghệ An, lập nghiệp ở Bình Định, anh Cường luôn thấy tự hào vì mình là một thành viên của một gia đình yêu lao động. “Bố tôi vốn là cảnh sát. Mẹ, vợ và em gái tôi là công nhân ngành Đường sắt. Chúng tôi luôn có những niềm vui khi trao đổi về một ngày làm việc vất vả của người công nhân”, anh chia sẻ.

Kỹ sư Nguyễn Duy Cường đang thuyết minh, giới thiệu phần mềm tự viết để theo dõi mực nước Bể PCCC tại Trạm biến áp 220kV Quy Nhơn

Từ 20 năm trước, khi chọn nghề kỹ sư Điện, Nguyễn Duy Cường đã luôn chú tâm học hỏi, say sưa làm việc. Chính tố chất này đã khiến anh ngày thêm “cháy” với “lửa” nghề và trưởng thành vững vàng về tay nghề. Khi được giao trách nhiệm là Tổ trưởng Tổ thao tác lưu động Quy Nhơn, anh càng nỗ lực, sáng tạo và gương mẫu khi triển khai công việc. Đó cũng chính là cơ sở để lãnh đạo Công ty nhìn nhận, đánh giá đúng về tinh thần vươn lên mạnh mẽ của kỹ sư Nguyên Duy Cường.

Truyền tải điện Bình Định luôn cần có những tấm gương lao động nghiêm túc, tận tụy và có cách nghĩ, cách làm mới như kỹ sư Cường. Bởi, hòa trong nắng gió của vùng đất võ là màu áo cam thấm đẫm mồ hôi, bám hiện trường không phút lơ là, để dòng điện tin cậy thắp sáng từ đường quê đến thị thành. Hơn nữa, đất dụng võ dành cho tuổi trẻ của Công ty Truyền tải điện 3 nói riêng, của EVN nói chung là nơi ứng dụng các sáng kiến, tôn thêm các giá trị kỹ thuật và lợi ích kinh tế cho ngành Điện.

Vì thế, động lực của tuổi trẻ sáng tạo có lẽ gói gọn trong chia sẻ của kỹ sư Nguyễn Duy Cường: “Khi sáng kiến của tôi được lãnh đạo các cấp công nhận, được ứng dụng vào thực tế và được sự ủng hộ sử dụng của đồng nghiệp, tôi thấy tự hào vô cùng. Đó là động lực để cổ vũ tôi và các cộng sự cùng nhau tìm kiếm, phát triển các ý tưởng tiếp theo”.

Kỹ sư Nguyễn Duy Cường:

  • Sở hữu khoảng 20 sáng kiến, tính từ năm 2007 đến nay;
  • Lao động điển hình tiên tiến EVN giai đoạn 2015-2020;
  • Đại biểu EVN tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X năm 2020;
  • Bằng khen của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp năm 2020-2021,
  • Người lao động ngành Điện tiêu biểu năm 2022.

Hồng Hoa



Tin khác:


Dấu chân người lính Truyền tải






Lượt truy cập:
web
analytics