EVNNPT đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

Công ty Truyền tải điện 3: kiểm tra quản lý vận hành sau mưa bão và khẩn cấp xử lý sạt lở gần móng cột đường dây 220kV Quy Nhơn – Tuy Hòa.

Ngày đăng: 12/3/2021 4:04:00 PM

Sáng ngày 02/12/2021, ông Nguyễn Công Thắng, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3), đã kiểm tra tình hình quản lý vận hành sau mưa bão tại Truyền tải điện Bình Định và chỉ đạo xử lý khẩn cấp sạt lở đất gần móng cột các vị trí 16, 18 đường dây 220kV Quy Nhơn – Tuy Hòa.

Ô. Nguyễn Công Thắng, Giám đốc PTC3 (giữa), chỉ đạo xử lý khẩn cấp sạt lở đất tại VT16 DZ 220kV Quy Nhơn-Tuy Hòa.

Tham gia kiểm tra còn có ông Nguyễn Văn Ngọc – Chuyên viên Ban An toàn Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cùng Chủ tịch Công đoàn, cán bộ Phòng An toàn PTC3 và Truyền tải điện Bình Định.

Vừa qua, do ảnh hưởng của áp thấp và khối không khí lạnh, khu vực tỉnh Bình Định có mưa to đến rất to kết hợp với cấu tạo của lớp địa chất là hỗn hợp sét lẫn dăm sạn và vật chất hữu cơ, gắn kết yếu, dẫn tới sạt lở đất rất nghiêm trọng tại một số khu vực gần các móng cột đường dây 220kV Quy Nhơn – Tuy Hòa, gây nguy cơ mất an toàn.

Cụ thể: Phía Đông của vị trí 16, đất đá toàn bộ sườn núi phía dưới trụ điện đã bị sạt lở nghiêm trọng: Qua đo đạc, xác định từ vị trí trụ 16 ra đến vị trí mép sạt lở trên cùng cách chân cột là 33m, phần đã sạt lở là 127m, độ cao từ chân cột đến đường phòng chống cháy rừng là 70m; Hiện tượng sạt lở này hiện nay đã làm mất đi mái cây cối tự nhiên của sườn núi ban đầu và tạo thành mái đất đỏ rất dốc và khối đất bị sạt lở đã trôi chảy thành dòng ra đến đường đi phòng chống cháy rừng cách cột vị trí 16 là 160m, ước tính diện tích bị sạt lở khoảng 3500m2. Tại vị trí 18: Sạt lở phần taluy phía trái theo thứ tự cột tăng tại Vị trí 18 về phía khu đất của nhà xưởng Công ty cổ phần Công nghệ gỗ Đại Thành (được tỉnh Bình Định cho thuê đất).

Sạt lở đất gần móng cột vị trí  16 đường dây  220kV Quy Nhơn-Tuy Hòa (ảnh chụp từ Flycam)

Ông Trần Hồng Tuấn, Giám đốc Truyền tải điện Bình Định, cho biết: Tại vị trí 16, đơn vị đã lắp đặt camera và tăng cường CBCNV giám sát thường xuyên tại vị trí sạt lở đất, sẵn sàng cho các tình huống có thể xảy ra. Tại vị trí 18, đơn vị đã lắp dựng cột KEMA để sẵn sàng chuyển vị trí 18 sang vận hành tạm trên cột KEMA trong trường hợp sạt lở đất còn tiếp diễn. Đồng thời cho bồi đắp đất, che bạt nhựa chống thẩm thấu nước trên phần đất đắp và toàn bộ diện tích mặt trên của móng cột, đào mương dẫn dòng chống nước chảy xuống móng cột, lắp camera giám sát tại vị trí sạt lở….

Sau khi kiểm tra hiện trường các vị trí sạt lở, ông Nguyễn Công Thắng, Giám đốc PTC3, đánh giá đây là sự việc nghiêm trọng, uy hiếp trực tiếp đến công trình lưới điện truyền tải Quốc gia do PTC3 đang quản lý, ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung cấp điện cho khu vực tỉnh Bình Định và phụ tải các vùng lân cận, do đó, yêu cầu Truyền tải điện Bình Định khẩn trương phối hợp với các Sở, Ban, Ngành địa phương và các đơn vị tư vấn xây dựng nhanh chóng lên phương án khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Lắp dựng cột KEMA tại khu vực sạt lở vị trí 18 đường dây 220kV Quy Nhơn – Tuy Hòa

Với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo PTC3, trong thời gian tới, bên cạnh các giải pháp đã triển khai, Truyền tải điện Bình Định tiếp tục tập trung theo dõi nguy cơ sạt lở, đồng thời triển khai ngay công tác phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng phương án xử lý kịp thời, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống và cung cấp điện liên tục, ổn định.

                                                                                                Lê Hồng Việt



Tin khác:


Dấu chân người lính Truyền tải






Lượt truy cập:
web
analytics