EVNNPT đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

Người "EM ÚT" của Trạm biến áp 220kV Quy Nhơn

Ngày đăng: 9/29/2020 3:55:47 PM

“Cường giáo sư” hay “Cường Cận” là những cách gọi đùa thân thương mà anh em làm cùng Tổ Thao tác lưu động Quy nhơn (Tổ TTLĐ QN) hay dùng để gọi anh Nguyễn Duy Cường – Tổ trưởng Tổ TTLĐ QN, Truyền tải điện Bình Định, Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3).

Anh Nguyễn Duy Cường – Tổ trưởng Tổ thao tác lưu động Quy Nhơn

Sở dĩ có tên gọi “Cường Cận” vì đơn thuần anh….bị cận thị, còn với cách gọi “Giáo sư Cường”, làm người nghe cứ nghĩ rằng đây có lẽ là một khoa học gia lớn tuổi nhưng thực chất tên gọi này được anh em đặt cho là vì tính say mê trong công việc, say mê nghiên cứu khoa học để tạo ra những sáng kiến vô cùng giá trị cho ngành Điện, cùng với phong cách “già trước tuổi” của người em út Trạm biến áp 220kV Quy Nhơn.

Anh Nguyễn Duy Cường sinh ngày 29/10/1983 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Được nuôi nấng và lớn lên trong một gia đình công chức, cha là Công an, mẹ là Cán bộ ngành Đường Sắt, những tưởng sau này anh sẽ nối nghiệp cha hoặc kế nghiệp mẹ như kỳ vọng của bao bậc phụ huynh đối với con mình, nhưng cơ duyên đến với ngành Điện ngay cả anh cũng không biết trước được. Anh tâm sự: “Năm 2001, sau khi tốt nghiệp THPT, gia đình bảo mình thi vào ngành Công an, mặc dù có sở thích sưu tầm, nghiên cứu về điện và điện tử từ khi còn ngồi học trên ghế nhà trường phổ thông nhưng cũng đành nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ, đến khi đi khám sức khỏe (điều kiện bắt buộc để thi vào ngành Công an lúc đó) thì lại không đạt, vì lý do….bị cận. Có lẽ vì “cận” nên bước ngoặc của cuộc đời cũng rẽ sang một hướng đi khác từ đó”.

Quyết tâm theo đuổi đam mê, năm 2001 “Cường cận” thi đỗ vào ngành Điện kỹ thuật - Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Trong suốt thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường, với tính ham học hỏi, sự say mê với điện, đến năm 2006, anh tốt nghiệp với tấm bằng loại Khá và quay về quê hương để xin việc theo đúng với định hướng của bản thân trước đây. Thêm một lần nữa cơ duyên với điện lại đến với anh, nhưng lần này không phải vì…cận.

Theo ông Đặng Đình Phụng – nguyên Giám đốc Truyền tải điện Bình Định, là người trực tiếp tiếp nhận lá đơn xin việc từ ông Nguyễn Duy Quyền là cha đẻ của anh Nguyễn Duy Cường lúc bấy giờ đi xin việc cho con  - chia sẻ: “Bằng chất giọng Nghệ An và sự cương nghị của một cán bộ công an, ông Quyền thẳng thắn nói: “tôi có con học điện Bách Khoa Đà Nẵng mới ra trường cần việc làm, mong có cơ hội được làm việc”. Lúc này, kí ức của ngày xưa bỗng hiện ra một cách rõ ràng. Năm 1994, khi đơn vị xảy ra sự việc mất cắp vật tư thiết bị và anh Quyền lúc đó là trinh sát địa bàn được giao nhiệm vụ xử lý. Bằng kinh nghiệm và nghiệp vụ, qua truy xét dấu vết để lại hiện trường, chỉ trong vòng chưa đầy 1h đồng hồ, đã xác định được thủ phạm, đồng thời giúp đơn vị chấn chỉnh lại công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong quản lý tài sản. Từ việc này, khi gặp lại anh Quyền trong hoàn cảnh đi xin việc cho con, đã tạo cho tôi một ý nghĩ là phải giúp đỡ nên đã đồng ý báo cáo Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 xin tiếp nhận anh Cường vào làm việc” – Đây có thể là cơ duyên thứ hai.

Sau 03 tháng thử việc, đến ngày 01/01/2007 “Cường giáo sư” chính thức trở thành nhân viên quản lý vận hành Trạm biến áp 220kV Quy Nhơn, bắt đầu một hành trình với đầy những thành tích nổi bậc trong lao động sản xuất, nhưng cũng phải trải qua không ít những cam go, thách thức. Anh tâm sự: “khi mới vào làm việc, những thiết bị vận hành trên thực tế khác với những kiến thức được học ở trường, nên ngoài việc phải đọc được tài liệu tiếng nước ngoài, phải tự mày mò, tìm tòi, nghiên cứu, đọc các bản vẽ nhị thứ để nắm bắt nguyên lý và cách thức hoạt động của thiết bị, chưa kể là phải học thuộc các quy định, quy trình, quy phạm vì đối với đặc thù công việc này, chỉ một sơ suất nhỏ, làm sai quy trình có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, có khi còn đánh đổi bằng chính tính mạng của mình, của đồng nghiệp mình”.

Chính từ niềm say mê, cộng với sự cần cù, ham học hỏi và luôn là người đi tiên phong tìm ra những cái mới, cách làm mới hiệu quả hơn nên “Cường cận” còn được mệnh danh “vua vượt vũ môn” khi luôn vượt qua các kỳ thi nâng bậc với vai trò trực chính, các kỳ thi thợ giỏi do Công ty tổ chức, hay còn được phong là “vua sáng kiến” khi liên tiếp trong các năm từ 2016 đến 2019 đã cho ra đời 05 sáng kiến được Tổng Công ty công nhận, mà sáng kiến nào cũng rất “chất”.

Trong đó, có thể kể đến sáng kiến nổi bậc nhất và tâm đắc nhất của anh, chính sáng kiến này đã giúp cho Trung tâm vận hành Quy Nhơn (lúc này quản lý hai trạm biến áp: 220kV Quy Nhơn và 220kV Phước An) hình thành sớm hơn thời gian dự kiến và tiết kiệm được rất nhiều chi phí do không phải mua công nghệ, đồng thời sáng kiến này cũng là nền tảng để cho ra đời các sáng kiến về sau, đó là: “Xây dựng chương trình giao diện HMI thu thập dữ liệu đo lường và trạng thái thiết bị nhất thứ từ RTU SCADA theo giao thức IEC60870-5-101 Master và đồng hồ đo lường số theo giao thức Modbus của Trạm biến áp 220kV Quy Nhơn”. Anh Cường thông tin thêm: “việc sử dụng chương trình HMI này sẽ giúp người vận hành theo dõi tình hình vận hành thiết bị toàn trạm dễ dàng, linh hoạt, chuyên nghiệp và tiết kiệm thời gian cho việc ghi thông số, báo cáo…Với những trạm tích hợp máy tính, chương trình như là gợi ý để có thể xây dựng các ứng dụng khác phục vụ cho vận hành kiểu tập trung trên máy tính như: xây dựng giao diện HMI điều khiển, cảnh báo (nhiệt độ, độ ẩm) cho hệ thống quạt mát phòng acquy, phòng thông tin; Quản lý hệ thống chiếu sáng ở trạm… Mà những yêu cầu này rất hiệu quả cho mô hình trạm biến áp không người trực”.

Từ niềm vui lớn khi áp dụng thành công và hiệu quả sáng kiến của mình vào công tác sản xuất, cũng gắn liền với kỷ niệm mà anh không thể nào quên. “Vào lúc 14h15’ ngày 08/11/2019, Trạm biến áp 220kV Quy Nhơn được Trung tâm Điều độ Hệ thống điện miền Trung ra lệnh chuyển quyền điều khiển về thao tác xa ở Điều độ mà mình là người đã nhận lệnh và thao tác. Đứng bên cạnh tủ SCADA, tay cầm khóa chuyển quyền điều khiển mà mình và đồng nghiệp không nói nên lời, ánh mắt nhìn nhau im lặng như thể chúng tôi sắp bị tước đi quyền cần trô (control) đứa con tinh thần mà bấy lâu cùng nhau nuôi nấng, chăm sóc, vun đắp đến ngày lớn khôn, trưởng thành” - anh tâm sự. Nhưng với xu thế chung trong sự phát triển của thời đại Cách mạng 4.0, việc áp dụng công nghệ trong sản xuất là tất yếu. Điều đó làm nâng cao năng lực của người lao động, sự chuyên môn hóa trong quản lý và cũng là xu thế chung mà các nước tiên tiến đang áp dụng.

Nhận xét về Tổ trưởng Tổ TTLĐ QN, ông Trần Hồng Tuấn – Giám đốc Truyền tải điện Bình Định – cho biết: “Cường tính tình thẳng thắn, nhanh nhẹn, tháo vát, dám làm, dám chịu trách nhiệm”. Còn anh Bùi Xuân Thắng – Tổ trưởng Tổ TTLĐ Phước An và cũng từng là cấp trên trực tiếp của anh Cường – Chia sẻ: “Cường đam mê nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, hoạt bát vui vẻ, hòa đồng, có lối sống lành mạnh, rất tiết kiệm”. Anh Phan Thanh Khiết – Tổ TTLĐ QN – nói thêm: “Duy Cường nhiệt tình trong công việc, quan hệ với đồng nghiệp hòa nhã, giúp đỡ anh em nhiều trong công tác, đôi khi đam mê công việc quá đến mức quên cả thời gian dành cho bản thân”.

Với 13 năm “Truyền niềm tin”, tuy chưa phải là khoảng thời gian dài trong nghề, với tuổi đời, tuổi nghề lại là “em út” trong tổ, nhưng qua những lời nhận xét, đánh giá trên cho thấy, anh đã nhận được sự tín nhiệm cao của Lãnh đạo, chiếm được cảm tình của cấp trên, sự yêu quý, khâm phục của đồng nghiệp. Khi tôi hỏi anh về động lực để anh vượt qua những khó khăn, từ đó cống hiến cho ngành, và có cả sự hy sinh thầm lặng, thì anh chỉ cười và nói: “mình yêu thích công việc hiện tại đang làm, mặc dù có những lúc vất vả nhưng vui. Vui vì trong cái khó mình tìm được những điều thú vị, những kiến thức mới. Bạn sẽ thấy hạnh phúc khi bạn làm ra được những công trình được áp dụng vào thực tế mà tiết kiệm thời gian và công sức của mọi người”. Những lời nói mộc mạc, giản dị, tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được.

Anh Nguyễn Duy Cường được vinh danh tại Đại hội Thi đua Yêu nước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2020

Với tinh thần lạc quan, tin tưởng, sự tuân thủ, tôn trọng các quy định và chỉ đạo của cấp trên, cùng với lòng tận tâm, trách nhiệm với công việc, anh đã đạt được những thành tích nổi bậc trong quá trình công tác, đặc biệt từ năm 2016 đến nay như: Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 04 năm liền: từ năm 2016 đến 2019; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua Bộ Công thương năm 2019; Công nhân lao động giỏi: cấp EVNNPT năm 2017, cấp EVN năm 2018; là một trong ba cá nhân xuất sắc nhất của Tổng Công ty được vinh danh Lao động điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020 tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức vào ngày 18/09/2020 tại Hà Nội; và được Tập đoàn Điện lực Việt Nam chọn làm đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sẽ được tổ chức trong thời gian tới.

Khi được hỏi về những mục tiêu sắp tới, anh cho biết: “Có thể nói, đây như là một thách thức nhưng cũng là cơ hội. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, cách mạng công nghệ đang dần được quan tâm và ứng dụng trong quản lý vận hành, quản lý kỹ thuật tại các Trạm biến áp. Với tuổi đời chưa đến 40, sức trẻ, sức khoẻ còn đủ để mình tiếp tục cống hiến cho ngành Điện thân yêu. Để làm được điều đó, ngoài việc tự học để nâng cao trình độ đáp ứng với công nghệ, mình còn đưa ra những mục tiêu nghiên cứu, áp dụng những sáng kiến vào sản xuất. Bản thân là người rất thích tự động hoá, do đó đây như là một cơ hội để phát huy năng lực cũng như niềm đam mê được làm việc, sáng tạo. Học tập và nghiên cứu đi đôi với công việc để quản lý vận hành lưới điện được an toàn, liên tục, ổn định. Với yêu cầu ngày càng cao về vận hành hệ thống điện Quốc gia, đòi hỏi mình cần phải cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa vì một tương lai tươi sáng của EVN, EVNNPT”./.

Lê Hồng Việt



Tin khác:


Dấu chân người lính Truyền tải






Lượt truy cập:
web
analytics