EVNNPT đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

PTC3 đưa vào vận hành toàn bộ đường bay tự động cho UAV trong QLVH đường dây truyền tải từ đầu Quý I/2024

Ngày đăng: 10/20/2023 10:45:07 AM

Đó là chia sẻ của ông Huỳnh Quang Thịnh, Trưởng Phòng kỹ thuật Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) tại Khóa đào tạo kỹ năng điều khiển, xử lý dữ liệu của thiết bị bay UAV và phần mềm quản lý đường dây truyền tải, được PTC3 phối hợp với Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) tổ chức tại Gia Lai, từ ngày 17-20/10/2023, cho 9 đơn vị truyền tải điện trực thuộc, khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên.

Toàn cảnh Khóa đào tạo của PTC3 tại Gia Lai

Theo đó, hơn 50 công nhân làm việc trực tiếp tại các đội truyền tải thuộc PTC3 đã được hướng dẫn và huấn luyện sử dụng thiết bị bay không người lái UAV kết hợp thiết bị Lidar được lắp đặt trên thiết bị bay không người lái để thực hiện quét và dựng bản đồ 3D của đường dây ngoài thực địa. Sau đó, tạo đường bay tự động trên bản đồ 3D đã xây dựng và đưa vào cho các thiết bị bay khác để bay tự động kiểm tra lưới điện truyền tải với độ chính xác cao.

Theo chia sẻ của ông Lê Giang Sơn, Đội trưởng Đội truyền tải điện Krong Buk - thuộc Truyền tải điện Đắk Lắk (PTC3), khó khăn hiện nay của các đơn vị truyền tải khi bay UAV là phải thiết lập đường bay tự động cho toàn bộ các tuyến đường dây, trong khi việc lập trình đường bay tự động động bằng UAV không kết hợp Lidar có độ chính xác không cao, thời gian xây dựng đường bay dài nên hiệu quả không cao. Do vậy, việc huấn luyện cả lý thuyết và thực hành sử dụng quét lidar xây dựng bản đồ 3D và bay UAV tự động sẽ giúp người lao động thao tác một cách đơn giản nhất.

Những ưu điểm của giải pháp này gồm các thiết bị bay tự động với độ chính xác cao; thực hiện tạo đường bay tự động mà người công nhân không cần ra hiện trường như trước đây. Ngoài ra, người công nhân có thể thay đổi linh hoạt đường bay kiểm tra theo ý muốn thông qua bản đồ 3D mà không cần đến hiện trường; từ đó bay tự động rất chính xác trong các lần kiểm tra theo định kỳ. Ngoài ra, mô hình bản đồ 3D cũng giúp giám sát hành lang, xử lý dữ liệu đo đạc.

Ông Đinh Văn Cường - Phó Giám đốc PTC3 - khai mạc Khóa đào tạo

Chia sẻ tại buổi huấn luyện bay, người lao động tại các đội truyền tải điện đều cho rằng, giải pháp này sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, nhân công để bay kiểm tra đường dây so với phương pháp chụp thủ công bằng con người. Tự động hóa được quy trình kiểm tra lưới điện truyền tải bằng UAV và dữ liệu đồng nhất giữa các lần bay chụp kiểm tra.

Người công nhân cũng có thể xem được góc chụp dự kiến của thiết bị bay, thuận lợi hơn cho việc tạo đường bay. Khung hình chụp mô phỏng trong phần mềm đúng với khung hình khi chụp thực tế; chỉ cần quét 3D một lần và sử dụng cho các lần sau trong quản lý, tạo đường bay tự động.

Khóa đào tạo thực hành tại các khoảng cột của đường dây 500kV Pleiku - Ialy, đường dây 220kV Pleiku - Sê san 3 và đường dây 220kV Pleiku 2 - Sê san 4

Ông Huỳnh Quang Thịnh - Trưởng phòng kỹ thuật PTC3 cho biết, theo chỉ đạo của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) về ứng dụng trí tuệ nhân tạo; triển khai toàn diện UAV trong quản lý và vận hành đường dây, toàn bộ các đội truyền tải trong PTC3 đã thực hiện 100% ứng dụng thiết bị này để hỗ trợ trong kiểm tra định kỳ, cũng như kiểm tra tìm kiếm khi có sự cố xảy ra.  Những lợi ích mang lại của Thiết bị bay trong kiểm tra, vận hành đường dây là rất lớn. Hiện tại, PTC3 đã triển khai lập đường bay tự động hoàn toàn cho 3 đội truyền tải Krông Buk, Phan Thiết và Bảo Lộc.

Việc lập đường bay tự động, sau khi thử nghiệm mẫu được PTC3 đánh giá rất hiệu quả. Trước đây, người công nhân phải đến hiện trưởng để điều khiển thiết bị bay, đòi hỏi người công nhân phải có kỹ năng cao, mất nhiều thời gian hơn để điều khiển thiết bị. Nhưng khi thiết lập đường bay tự động thì người công nhân chỉ cần bấm nút khởi động là thiết bị sẽ hoàn toàn bay theo lộ trình kiểm tra đặt trước để kiểm tra cột, dây dẫn và tự động phát hiện các hư hỏng bất thường có thể xảy ra sự cố trên lưới truyền tải. Toàn bộ thông tin được đưa về trung tâm xử lý hình ảnh, nhận diện bằng trí tuệ nhân tạo thay cho bằng mắt thường của người công nhân như trước.

Ông Huỳnh Quang Thịnh - Trưởng phòng Kỹ thuật PTC3 - chia sẻ với phóng viên tại Khóa đào tạo

Trưởng phòng Kỹ thuật PTC3 cho biết thêm, đến thời điểm này, UAV đã được sử dụng rộng rãi tại tất cả các đội truyền tải của PTC3, đồng thời, Công ty cũng đã triển khai phần mềm quản lý vận hành đường dây và bay UAV trong kiểm tra, quản lý vận hành đường dây. Hiện các đơn vị tiếp tục áp dụng công nghệ bay UAV kết hợp quét Lidar để kịp thời phát hiện sớm các nguy cơ mất an toàn hành lanh lưới điện, giảm nguy cơ mất an toàn cho người lao động khi phải đi kiểm tra tại một số vị trí cực kỳ khó khăn do địa hình đồi núi, vực sâu…Sớm phát hiện những khiểm khuyết thiết bị trên lới điện kịp thời ngăn ngừa các sự cố có thể xảy ra trên lưới truyền tải. Dự kiến đến hết năm nay, việc quét dựng bản đồ 3D và tạo đường bay tự động của đơn vị này sẽ được hoàn thành và ứng dụng rộng rãi.

PTC3 sẽ tiếp tục triển khai bay tự động trên hơn 5.000 km đường dây của lưới điện quản lý. Dự kiến, trong quý IV/2023 này, PTC3 sẽ hoàn thành thiết lập toàn bộ đường bay tự động tại 9 đơn vị truyền tải điện khu vực và 21 đội truyền tải. Sang quý I/2024, PTC3 sẽ đưa vào vận hành toàn bộ đường bay tự động này.

Công nhân Đội truyền tải điện Krong Buk kiểm tra phụ kiện thiết bị bay trước mỗi lần đi kiểm tra tuyến

Công ty Truyền tải điện 3 đang quản lý, vận hành 2.338 km đường dây 500 kV; 3.431 km đường dây 220 kV, 6 trạm biến áp 500 kV và 18 trạm biến áp 220 kV. Lưới điện do PTC3 quản lý trải dài từ vùng địa hình bán sơn địa phía Đông đến vùng đồi núi cao ở khu vực Tây Nguyên. Nhiều vị trí cột điện nằm ở khu vực thung lũng rất sâu, nhiều khoảng cột dài vượt qua các thung lũng, có khoảng vượt dài hơn 1,3 km, khoảng cách từ đất đến dây dẫn hàng trăm mét.

Sau khóa huấn luyện, với một tinh thần học hỏi nghiêm túc, vì nhiệm vụ chính trị chung, các công nhân kỹ thuật và cán bộ quản lý, vận hành lưới truyền tải có thêm tự tin trong việc vận dụng kỹ năng điều khiển thiết bị bay UAV một cách hiệu quả. Điều này sẽ giúp tăng năng suất lao động, mang lại nhiều giá trị hiệu quả hơn trong quản lý vận hành so với cách làm truyền thống, tăng độ tin cậy, ổn định cho lưới điện…/.

Đức Dũng



Tin khác:


Dấu chân người lính Truyền tải






Lượt truy cập:
web
analytics