EVNNPT đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

Truyền tải điện Đắk Nông: Chuyển đổi số từ kế hoạch đến thực thi

Ngày đăng: 5/7/2021 2:27:47 PM

Năm 2021 “Chuyển đổi số” là chủ đề và cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT).

Sử dụng thiết bị UAV kiểm tra tại Trạm biến áp 500kV ĐăkNông

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số của EVNNPT, Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đã triển khai kế hoạch chi tiết thực hiện chuyển đổi số đến các đơn vị trực thuộc. Trên cơ sở đó, Truyền tải điện Đắk Nông (TTĐĐN) nhanh chóng triển khai, quán triệt sâu sắc việc đẩy mạnh số hóa hồ sơ, dữ liệu, quy trình nghiệp vụ; ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong công tác phân tích, dự báo, chuẩn đoán, hỗ trợ giúp ra quyết định trong QLVH lưới điện.

Để triển khai mục tiêu chuyển đổi số, trước hết TTĐĐN luôn coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ đáp ứng yêu cầu mới theo tình hình thực tế, tâm huyết, trung thực, tận tụy, có phẩm chất tốt. Tạo mọi điều kiện phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên sâu để thúc đẩy phong trào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số phù hợp trong từng lĩnh vực truyền tải điện tại đơn vị.

Bên cạnh đó, TTĐĐN xác định rõ các nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện:

- Tăng cường vai trò và sự chỉ đạo quyết liệt thực thi chuyển đổi số của Chi ủy, Chi bộ, lãnh đạo quản lý các cấp.

- Đẩy mạnh các phong trào thi đua “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất” trong toàn đơn vị.

- Đa dạng hóa hình thức đào tạo, gắn liền đào tạo với nhu cầu thực tế sản xuất. Nâng cao kỹ năng khai thác mạng máy tính của CBCNV và đưa ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sản xuất, quản lý vận hành lưới điện chuyên sâu.

Đến nay, triển khai ứng dựng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như chuyển đổi số trong công tác quản lý vận hành, TTĐĐN  đã thực hiện được cụ thể như:

- Ứng dụng Flycam để kiểm tra kỹ thuật, ghi hình ảnh tình trạng thiết bị điện đang vận hành chính xác, rõ ràng ở nhiều góc độ, địa hình khác nhau.

- Dùng robot kiểm tra dây dẫn, dây chống sét, dây cáp quang (điều khiển và thu thập dữ liệu qua internet). Nhờ đó, công việc kiểm tra đường dây thực hiện nhanh chóng, nội dung kiểm tra đầy đủ, giảm bớt sức lao động và giảm nguy cơ mất an toàn lao động do không phải trèo cao, nhất là những cung đoạn đường dây đi qua núi cao, vực sâu, vượt sông, những vị trí khó đến.

- Phủ sóng Wifi toàn TBA 500kV Đắk Nông, TBA 220kV Đắk Nông, tiến đến lắp đặt thiết bị giám sát trực tuyến online một số thiết bị trong TBA. Việc chuyển đổi thông tin, tín hiệu tương tự thành tín hiệu số để xử lý, lưu trữ và truyền thông tin thông qua các giao thức truyền thông số. Việc chuyển từ sử dụng trạm biến áp truyền thống sang trạm biến áp số sẽ làm tăng mức độ an toàn cho con người và thiết bị, giảm diện tích lắp đặt thiết bị đồng thời nâng cao độ tin cậy cung cấp điện giúp nhân viên vận hành truyền dữ liệu nhanh chóng trong khi kiểm tra thiết bị ngoài các sân phân phối, dữ liệu kiểm tra được đồng bộ nhanh chóng.

Thiết bị phát sóng Wifi tại Trạm biến áp 500kV ĐăkNông

- Sử dụng công nghệ giám sát thiết bị qua các cảm biến có kết nối Wifi.

- Áp dụng cảm biến không dây E-sensor vào giám sát, thu thập dữ liệu thông số môi trường không khí phục vụ QLVH đường dây, trạm biến áp và giám sát nhiễm bẩn cách điện, phát nhiệt thiết bị TBA. Kết quả áp dụng công nghệ đã giúp ích nhiều cho công tác QLKT, QLVH như: Giám sát online dòng rò chuỗi cách điện để chọn thời điểm vệ sinh hotline chính xác hơn. Giúp cán bộ kỹ thuật lập kế hoạch đăng ký cắt điện phù hợp với thực tế, đánh giá chất lượng, tuổi thọ thiết bị từ môi trường làm việc của thiết bị. Giúp công nhân nắm được điều kiện môi trường tại từng khu vực để thực hiện vệ sinh và kiểm tra thiết bị tốt hơn.

- Sử dụng camera, thiết bị phát sóng wifi bằng sóng 3G/4G. Các cảm biến mưa, cảm biến độ nghiêng không dây; cảm biến nhiệt độ, độ ẩm môi trường không khí sử dụng wifi và bộ trung tâm báo tín hiệu từ xa dùng sim điện thoại 3G/4G vào giám sát, quan sát, kiểm tra thông số đã mang lại hiệu quả không phải tốn nhân lực, chi phí làm lán trại nằm canh gác, đo độ nghiêng của cột, cũng như giám sát độ sạt lở kè móng cột. Lắp đặt hệ thống camera 4G (dùng năng lượng mặt trời kèm gió) quan sát hành lang tuyến, quan sát cách điện trên đường dây và hình ảnh được truyền trực tiếp về App được cài đặt trên điện thoại, máy tính. Hiện đơn vị có 13 bộ camera giám sát hành lang tuyến đường dây.

- Chế tạo và thử nghiệm thành công xe ra dây dẫn, dây chống sét, dây chống sét cáp quang. Đưa thiết bị vào kiểm tra dây dẫn trong các ngày cắt điện, giảm đáng kể sức lao động của công nhân phải trực tiếp ra dây như trước đây.

- Thiết kế, lắp đặt bộ thí nghiệm đồng hồ đếm sét để đáp ứng yêu cầu vận hành, kiểm tra, thí nghiệm định kỳ thiết bị theo quy định cũng như khi có bất thường xảy ra đối với chống sét van, tăng sự linh hoạt và chủ động trong quá trình vận hành, giảm sự phụ thuộc vào đơn vị thí nghiệm.

- Áp dụng Hệ thống quản lý kỹ thuật nguồn và lưới điện (PMIS) của ngành Điện giúp các đơn vị vận hành an toàn, tối ưu, tăng hiệu suất và giảm chi phí. Việc triển khai hệ thống phần mềm một cách thống nhất, xuyên suốt tạo điều kiện tổng hợp, báo cáo thuận lợi và dễ dàng giữa các cấp quản lý. Đơn vị đã tổ chức đào tạo, hướng dẫn cho cán bộ kỹ thuật và nhân viên vận hành thực hiện cập nhật, theo dõi và khai thác các thông tin, thông số thiết bị cũng như thông số vận hành. Giảm thời gian viết phiếu khi đi kiểm tra đường dây, đồng thời giảm chi phí do in ấn hàng loạt phiếu kiểm tra. Toàn bộ dữ liệu vận hành được số hóa và đưa lên phần mềm PMIS để lưu trữ, giúp việc tra cứu vận hành thiết bị hiệu quả hơn.

Có thể nói, thực hiện chuyển đổi số kết hợp với các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ kỹ thuật số và mô hình quản trị phù hợp đã nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa và tự động hóa công tác quản lý và điều hành sản xuất tại PTC3 và các đơn vị trực thuộc./.

Nguyễn Trọng Đoàn



Tin khác:


Dấu chân người lính Truyền tải






Lượt truy cập:
web
analytics