EVNNPT đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

Chuyển đổi số tại Truyền tải điện Bình Định

Ngày đăng: 4/15/2021 2:33:49 PM

Truyền tải điện Bình Định là đơn vị thành viên của Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) đang triển khai mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền tải điện.

Ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc quản lý vận hành các thiết bị trạm biến áp từ xa

Đơn vị hiện đang quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện Quốc gia bao gồm 245 km đường dây cấp điện áp 220kV đi qua địa bàn của 40 xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh Bình Định, một phần tỉnh Gia Lai và 3 trạm biến áp 220kV: Quy Nhơn, Phước An, Phù Mỹ với tổng công suất 830MVA.

Đơn vị có nhiệm vụ cung cấp điện cho tỉnh Bình Định và phụ tải các vùng trọng điểm của khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.

Đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo dòng điện an toàn, liên tục, ổn định cho sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng của tỉnh và khu vực, đơn vị đang từng bước nâng cao hiệu quả quản lý vận hành bằng việc cải thiện năng suất lao động, tối ưu hóa, ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại và đặc biệt đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số vào các hoạt động sản xuất tại đơn vị.

Theo đó, Truyền tải điện Bình Định chuẩn hóa và số hóa các hồ sơ quản trị, tài liệu, dữ liệu kỹ thuật quản lý vận hành; đồng bộ lưu trữ đám mây để khai thác, chia sẻ sử dụng cho toàn đơn vị.

Bên cạnh đó, khai thác tối đa các thiết bị điện tử thông minh để kiểm tra định kỳ thiết bị đường dây và trạm biến áp, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu số để nâng cao năng suất lao động.

Cùng với việc triển khai áp dụng giải pháp kiểm tra, giám sát an toàn công việc trên lưới điện bằng hình ảnh; Ứng dụng thiết bị camera gắn tại vị trí cột trong quản lý vận hành đường dây truyền tải, đơn vị còn khai thác thường xuyên và hiệu quả các phần mềm dùng chung như: phần mềm quản lý công văn (e-Office), phần mềm quản lý nhân sự (HRMS), phần mềm quản lý dự án, phần mềm quản lý kỹ thuật (PMIS), phần mềm đo đếm giao nhận điện năng, phần mềm quản trị doanh nghiệp (ERP), phần mềm đánh giá hiệu quả công việc (KPI).

Ngoài ra, trong thời gian dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, đơn vị cũng đã ứng dụng các phần mềm, công nghệ để quản lý điều hành trực tuyến, quản lý và triển khai công việc từ xa một cách hiệu quả.

Theo ông Trần Hồng Tuấn – Giám đốc Truyền tải điện Bình Định: “Để góp phần đưa lĩnh vực truyền tải điện nước ta đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, đồng thời thực hiện chủ trương của Chính phủ, của ngành điện về chuyển đổi số, đơn vị tăng cường phổ biến nhận thức về chuyển đổi số, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nhận thức về an toàn thông tin.

Từ đó, từng bước nâng cao về nhận thức, đổi mới tư duy, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu về công nghệ thông tin, xây dựng văn hóa về chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền tải điện”.

 Để triển khai ứng dụng các giải pháp trên, trong thời gian qua, đơn vị cũng đẩy mạnh nghiên cứu, sáng kiến cải tiến hợp lý hóa sản xuất theo hướng công nghệ số, tự động hóa, có thể kiểm tra, giám sát và điều khiển từ xa.

Cụ thể như: đơn vị cải tạo thu thập dữ liệu thông số đo lường các ngăn lộ phục vụ SCADA từ phương pháp truyền thống (tín hiệu tương tự) sang phương pháp Modbus (tín hiệu số); Giám sát, đo xa dòng rò chống sét van đặt ngoài trời tại Trạm biến áp 220kV Quy Nhơn; Ứng dụng mã vạch QR trong việc đọc thông số vận hành từ máy tính HMI áp dụng cho Trạm tích hợp; Xây dựng chương trình giao diện HMI thu thập dữ liệu đo lường và trạng thái thiết bị nhất thứ từ RTU SCADA theo giao thức IEC60870-5-101 Master và đồng hồ đo lường số theo giao thức Modbus của Trạm biến áp 220kV Quy Nhơn.

Ông Nguyễn Duy Cường – Tổ trưởng Tổ Thao tác lưu động Quy Nhơn – là tác giả của sáng kiến “Xây dựng chương trình giao diện HMI thu thập dữ liệu đo lường và trạng thái thiết bị nhất thứ từ RTU SCADA theo giao thức IEC60870-5-101 Master và đồng hồ đo lường số theo giao thức Modbus của Trạm biến áp 220kV Quy Nhơn”.

Ông Cường cho biết, việc sử dụng chương trình HMI này đã chuyển trạm biến áp 220kV Quy Nhơn đang vận hành theo phương thức cổ điển (theo dõi thủ công, ghi chép thủ công các thông số vào sổ…) sang vận hành theo kiểu hiện đại, giúp người vận hành theo dõi tình hình vận hành thiết bị toàn trạm trên máy vi tính dễ dàng, linh hoạt, chính xác, chuyên nghiệp và tiết kiệm thời gian cho việc ghi thông số, báo cáo…

“Với những trạm tích hợp máy tính, chương trình như là gợi ý để có thể xây dựng các ứng dụng khác phục vụ cho vận hành kiểu tập trung trên máy tính như: xây dựng giao diện HMI điều khiển, cảnh báo (nhiệt độ, độ ẩm) cho hệ thống quạt mát phòng acquy, phòng thông tin; Quản lý hệ thống chiếu sáng ở trạm… Những yêu cầu này rất hiệu quả cho mô hình trạm biến áp không người trực,” ông Cường nói.

Với những thay đổi về nhận thức, tư duy, các kỹ năng theo xu hướng chuyển đổi số cộng với sự quan tâm sát sao từ lãnh đạo PTC3, đến mỗi cán bộ công nhân viên trong đơn vị, quá trình chuyển đổi số sẽ ngày càng được triển khai một cách mạnh mẽ, hiệu quả, toàn diện và đi vào trong mọi mặt hoạt động sản xuất của Truyền tải điện Bình Định.

Từ đó, việc quản lý vận hành hệ thống truyền tải điện Quốc gia ngày càng đạt hiệu quả cao, đảm bảo dòng điện luôn được an toàn, liên tục, ổn định phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, đáp ứng sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng của toàn tỉnh và các khu vực lân cận./.

 

Lê Hồng Việt



Tin khác:


Dấu chân người lính Truyền tải






Lượt truy cập:
web
analytics