EVNNPT đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

Công ty Truyền tải điện 3: Không để xảy ra sự cố truyền tải mùa nắng nóng

Ngày đăng: 6/30/2021 2:33:13 PM

Với đặc thù các tuyến đường dây 500kV và 220kV khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên của Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) nằm dọc các sườn núi, địa hình bị chia cắt bởi nhiều sông suối, nhiều tuyến đường dây đi qua rừng phòng hộ, vùng nguyên liêu mía của các nông, lâm trường… Chính vì thế, nguy cơ xảy ra cháy dưới đường dây là rất lớn nên Công ty đặc biệt lưu ý vấn đề này.

Công nhân PTC 3 bảo trì bảo dưỡng thiết bị TBA 500kV Vĩnh Tân vào ban đêm, tháng 5/2021

Chuẩn bị kỹ để đảm bảo an toàn

Ông Hồ Công – Phó Giám đốc PTC3 cho biết: Để chủ động trong công tác chống cháy mùa khô hành lang tuyến, ngay từ tháng 10 của năm trước, PTC3 chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập phương án chống cháy mùa khô hành lang tuyến cho năm sau nhằm đảm bảo vận hành an toàn lưới truyền tải điện.

Công ty đã lập lịch tổng hợp chi tiết xử lý từng khoảng cột có nguy cơ cháy theo cấp độ cháy được quy định tại Điều 46 của Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ. Có kế hoạch xác định rõ thời gian xử lý xong từng khoảng cột cụ thể hàng tháng trong các tháng mùa khô để tổ chức thực hiện (các tỉnh Tây Nguyên từ 15/11 đến hết mùa khô, các tỉnh duyên hải từ 15/2 đến hết mùa khô). Hàng tháng đều phải được báo cáo về Công ty trước ngày 25 của tháng thực hiện để kiểm tra, rà soát kịp thời chỉ đạo các đơn vị thực hiện.

Đặc biệt, Công ty tổ chức phát quang các cây trong và ngoài hành lang, chủ động khoanh vùng, thu gom và đốt có kiểm soát cây khô, thực bì hoặc thu dọn, cào lằn ranh, kéo ra xa khỏi hành lang tuyến giảm tối đa nguy cơ cháy phù hợp với thời gian chống cháy của từng cung đoạn. Tính đến tháng 5/2021 toàn Công ty đã xử lý chống cháy được 1.263 khoảng cột đi qua rừng, rừng trồng có nguy cơ cháy với diện tích 4,5 triệu m2 và tổ chức tuần canh chống cháy cho 200 khoảng cột đi qua vùng nguyên liệu mía với diện tích trên 1,8 triệu m2.

Đối với những khu vực xung yếu tại những thời điểm có nguy cơ cháy cao (nhất là với cây mía, cây keo, bạch đàn của người dân sau thu hoạch) lập lịch cử cán bộ, công nhân trực canh nhằm phát hiện sớm đám cháy để có triển khai phương án xử lý thích họp như huy động lực lượng phương tiện dập tắt hoặc khống chế đám cháy. Trường hợp không thể khống chế đám cháy nhất là cháy vùng rừng trồng, hoặc ruộng mía từ ngoài vào cần báo cáo điều độ xin cắt điện đường dây để xử lý.

Công ty ứng dụng công nghệ như lắp đặt camera để giám sát chống cháy mía, rừng trồng, rừng phòng hộ ở một số đường dây đi qua vùng nguyên liệu mía và rừng trồng. Tính đến tháng 5/2021 trên toàn lưới điện của PTC3 đã lắp đặt được 109 bộ camera giám sát chống cháy và các đơn vị vẫn đang triển khai lắp đặt. Sử dụng các thiết bị bay (UAV) trong công tác kiểm tra hành lang tuyến để bay kiểm tra các đoạn tuyến đường dây nằm trên các đỉnh đồi núi, đi qua khu vực rừng phòng hộ, rừng trồng…ghi hình, chụp hình cận cảnh hành lang tuyến với độ nét cao. Dữ liệu thu thập được từ thiết bị UAV được các cán bộ kỹ thuật phân tích kiểm tra để phát hiện sớm các khiếm khuyết, nguy cơ đưa ra định hướng sửa chữa, xử lý cụ thể.   

“Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ổn định trong những tháng hè cao điểm PTC3 đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quyết liệt triển khai công tác kiểm tra, chống cháy trong và ngoài hành lang tuyến nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới điện của PTC3 quản lý vận hành. Do chuẩn bị và tổ chức thực hiện tốt công tác chống cháy ngay từ đầu  mùa khô hàng năm, vì vậy trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 trên toàn lưới điện của PTC3 quản lý vận hành không có sự cố lưới điện do nguyên nhân cháy gây ra”, ông Hồ Công – Phó Giám đốc PTC3 cho biết.

 

PTC3 ứng dụng thiết bị bay không người lái kiểm tra vận hành lưới điện

Thách thức lớn từ nguồn năng lượng tái tạo

Đặc thù trong quản lý vận hành lưới điện truyền tải của PTC3 là khu vực có nhiều nguồn năng lượng tái tạo. Đến nay, tổng công suất điện mặt trời đấu nối vào lưới điện truyền tải PTC3 và lưới điện phân phối các Công ty Điện lực trong khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lên tới 8.224MW, chiếm 41% tổng công suất đặt nguồn điện đấu nối lưới truyền tải và lưới điện phân phối trong khu vực này.

Trưởng phòng Điều độ PTC3 Nguyễn Mạnh Tường cho biết: Hiện nay, để hạn chế tình trạng đầy tải và quá tải lưới điện 220kV các cấp điều độ phải áp dụng các biện pháp giảm phát hoặc khống chế công suất phát của các nguồn điện khu vực; thay đổi kết dây tách thanh cái, mở vòng lưới điện 220kV, để cưỡng bức công suất, tận dụng tối đa khả năng tải của các đường dây 220kV còn non tải. Tuy nhiên, sau khi giảm huy động nguồn điện, thay đổi kết dây vẫn còn xảy ra tình trạng vận hành đầy tải, có khi quá tải một số đường dây và trạm biến áp.

Do lưới điện vận hành trong tình trạng đầy tải, quá tải yêu cầu phải tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát thiết bị, MBA, đường dây và hành lang tuyến để kịp thời khắc phục, xử lý các hiện tượng bất thường. Ngoài ra, một số công tác sửa chữa, bảo dưỡng cần cắt điện hoặc thí nghiệm định kỳ phải bố trí vào ban đêm khi điện mặt trời ngừng phát. Việc thực hiện các biện pháp an toàn, cũng như quá trình giám sát thi công, giám sát các thiết bị chịu lực, kiểm soát an toàn tại các khoảng cột có giao chéo với đường dây trung thế, hạ thế và đường giao thông lúc trời tối, vào ban đêm sẽ rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Ông Hồ Công – Phó Giám đốc PTC3 cho biết: Để đảm bảo truyền tải điện an toàn, ổn định trong năm nay và các năm tiếp theo, PTC3 kiến nghị cần thiết đẩy nhanh tiến độ đóng điện các dự án truyền tải đang được triển khai. Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án truyền tải, nâng công suất máy biến áp trong khu vực.

Để thuận lợi trong công tác chủ động phối hợp giữa đơn vị quản lý vận hành với chính quyền địa phương, đề nghị UBND các tỉnh có lưới truyền tải điện đi qua khi thành lập thành lập Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp cần có thành phần lãnh đạo của đơn vị quản lý vận hành lưới điện truyền tải.

Chính quyền các cấp địa phương, công an an ninh kinh tế cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với đơn vị quản lý vận hành lưới điện truyền tải trong công tác bảo vệ an toàn công trình lưới truyền tải điện để ngăn ngừa, xử lý kịp thời những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Ông Hồ Công cũng kiến nghị sửa đổi điều 15 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực theo hướng nâng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về an toàn điện để đảm bảo tính răn đe.

PV.



Tin khác:


Dấu chân người lính Truyền tải






Lượt truy cập:
web
analytics