EVNNPT đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

Dự án Trạm biến áp 220kV Ninh Phước & đấu nối - giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận.

Ngày đăng: 4/17/2020 10:58:25 AM

Dự án Trạm biến áp (TBA) 220kV Ninh Phước và đấu nối là công trình trọng điểm đang được Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) khẩn trương triển khai thực hiện với mục đích giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Công trường thi công TBA 220kV Ninh Phước

Dự án TBA 220kV Ninh Phước và đấu nối có quy mô công suất chính: - 01 TBA 220/110/22kV có công suất 2x250MVA; 04 mạch đường dây 220kV đấu nối, chiều dài tuyến khoảng 4,6 km, dây dẫn phân pha 2xACSR-330/43 đấu nối TBA 220kV Ninh Phước vào đường dây 220kV NMĐ Vĩnh Tân - Tháp Chàm hiện có. TBA 220kV Nình Phước được xây dựng tại thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Dự án được triển khai xây dựng với mục đích chính: (i) chuyển tải công suất từ các nhà máy năng lượng tái tạo (đang đấu nối lên lưới 110kV) của khu vực tỉnh Ninh Thuận lên lưới điện truyển tải, tránh quá tải các đường dây 110kV; (ii) TBA 220kV Ninh Phước đấu nối transit trên 02 mạch đường dây 220kV Tháp Chàm – Vĩnh Tân, là điểm nút phân chia công suất của đường dây này, góp phần tránh quá tải các thiết bị tại TBA 220kV Tháp Chàm (các thiết bị thuộc ngăn lộ 273, 274 đi Vĩnh Tân); (iii) Giảm tổn thất công suất lưới điện 220&110kV khu vực; (iv) Nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, đảm bảo đủ nguồn cấp điện cho phụ tải tỉnh Ninh Thuận trong trường hợp hệ thống vận hành bình thường cũng như sự cố.

Theo số liệu báo cáo cập nhật tình hình phát triển điện mặt trời của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong giai đoạn đến năm 2020, các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có rất nhiều dự án mặt trời đã được bổ sung quy hoạch với tổng công suất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận là 2.103,9MWp và đối với tỉnh Bình Thuận là 1.286,81MWp. Ngoài ra, trên địa bàn các tỉnh này còn có nhiều dự án nhà máy điện gió sẽ vận hành trong thời gian tới. Trong đó tổng công suất các nhà máy điện gió trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2025 là 467.4MW (công suất vận hành đến năm 2020 là 220MW) và tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 là 286MW.

Với lượng công suất rất lớn của các nhà máy điện năng lượng tái tạo đấu nối lên lưới điện khu vực tỉnh Ninh Thuận – Bình Thuận dẫn đến công suất truyền tải trên lưới điện khu vực này sẽ tăng cao, theo đó sẽ gây quá tải lưới điện 110, 220kV khu vực cũng như quá tải các MBA 500kV hiện hữu tại TBA 500kV Vĩnh Tân, không đảm bảo được yêu cầu giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Trong khi đó, hiện nay lưới điện 110kV tỉnh Ninh Thuận và khu vực phía Bắc tỉnh Bình Thuận chủ yếu được cấp nguồn từ TBA 220kV Tháp Chàm có công suất 2x250MVA và TBA 220kV của nhà máy thủy điện Đa Nhim có công suất 2x63MVA.

Việc dự án TBA 220kV Ninh Phước và đấu nối sớm đưa vào vận hành sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam trong giai đoạn tới cũng như có ý nghĩa quan trọng trong việc vận hành kinh tế hệ thống điện Quốc gia, góp phần phục vụ tốt các yêu cầu về hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội cả nước./.

Phạm Hiếu Trung



Tin khác:


Dấu chân người lính Truyền tải






Lượt truy cập:
web
analytics