EVNNPT đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

Khuyến cáo của Bộ Y tế về cách phòng, chống virus Corona nCoV tại nơi làm việc

Ngày đăng: 2/11/2020 10:53:12 AM

Ngoài các nội dung vệ sinh môi trường, vệ sinh chân tay sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng..., khuyến cáo còn chỉ rõ người lao động cần duy trì các thói quen tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể, nâng cao thể trạng.

Bộ Y tế số vừa có công văn số 490/BYT-MT ngày 06/02/2020 về khuyến cáo phòng chống bệnh nCoV tại nơi làm việc.

Theo Bộ Y tế, bệnh nCoV là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A. Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính: sốt, ho, khó thở, có trường hợp viêm phổi nặng, có thể gây suy hô hấp cấp và nguy cơ tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh lý mạn tính.

Một số người nhiễm vi rút nCoV có thể có biểu hiện lâm sàng nhẹ, không rõ triệu chứng nên gây khó khăn cho việc phát hiện. Đến nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh.

Nguyên tắc phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Đó là lấy phòng bệnh là chính, trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông, giám sát bệnh truyền nhiễm là biện pháp chủ yếu; kết hợp các biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế với các biện pháp xã hội, hành chính trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Khuyến cáo đối với người lao động

- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 20 giây. Trong trường hợp không có xà phòng và nước sạch thì dùng các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn);

- Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng;

- Che kín miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khuỷu tay áo, khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp ra không khí. Giặt sạch khăn hoặc bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác sau khi sử dụng và rửa sạch tay;

- Duy trì các thói quen tốt cho sức khỏe như tập thể dục giữa ca làm việc, tích cực vận động cơ thể, ăn uống hợp vệ sinh, đủ chất, giữ ấm mũi họng, nâng cao thể trạng;

- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở), trong trường hợp cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc;

- Nếu thấy bản thân hoặc người cùng làm việc có các biểu hiện sốt, ho, khó thở,… thì cần thông báo cho người sử dụng lao động, người làm công tác y tế tại cơ sở lao động để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời.

Khuyến cáo đối với người sử dụng lao động

- Bố trí chỗ rửa tay bằng nước sạch với xà phòng hoặc cung cấp các sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn (ít nhất 60% cồn);

- Duy trì vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên lau nền nhà và khử trùng các bề mặt các đồ vật tại nơi làm việc có thể có vi rút như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, điện thoại dùng chung, bàn phím máy tính, mặt bàn,… bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác;

- Đảm bảo thông gió tốt, tăng cường thông gió tự nhiên tại nơi làm việc;

- Có quy định và hướng dẫn người lao động cách tự bảo vệ, thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của Bộ Y tế khi có các biểu hiện mắc bệnh hoặc tiếp xúc với người nghi mắc bệnh. Có cơ chế cho phép người lao động làm việc tại nhà hoặc bố trí ca làm việc linh động đối với những trường hợp nghi mắc bệnh (nếu được);

- Các cơ sở lao động có bộ phận tiếp tân, hàng không, hải quan, ngân hàng, ngành dịch vụ,… tiếp xúc với nhiều người cần cung cấp và hướng dẫn sử dụng khẩu trang đúng cách cho người lao động và cân nhắc lắp đặt hệ thống kính ngăn tại các khu vực tiếp xúc, giao dịch;

- Khi có trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần thực hiện cách ly ngay đồng thời thông báo cho cơ quan y tế địa phương (thông qua đường dây nóng 1900 3228 hoặc 1900 9095).

Bộ Y tế ban hành hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú

Với mục đích nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV), Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn cách ly y tế theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, được áp dụng tại hộ gia đình, nơi lưu trú của đối tượng phải cách ly y tế.

Theo đó, đối tượng cách ly là những người không có các triệu chứng nghi nhiễm nCoV (ho, sốt, khó thở) và có một trong những yếu tố sau đây:

- Sống trong cùng nhà, nơi lưu trú với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;

- Cùng làm việc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;

- Cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;

- Có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong trong thời gian mắc bệnh ở bất kỳ tình huống nào;

- Ngồi cùng hàng hoặc trước sau hai hàng ghế trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ;

- Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc hoặc từng đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

Thời gian cách ly tối đa 14 ngày, số ngày cách ly cụ thể được tính từ ngày tiếp xúc lần cuối với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam. Khi người nghi ngờ mắc bệnh được chẩn đoán loại trừ không mắc bệnh thì những người được cách ly có liên quan sẽ kết thúc việc cách ly.

Về tổ chức thực hiện cách ly:

Đối với người được cách ly:

- Chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 mét.

- Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng, nơi cách ly.

- Tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày; ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày.

- Hàng ngày hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác.

- Hàng ngày thông báo cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng, chiều về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.

- Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.

- Không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú.

- Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly.

- Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú.

Đối với thành viên trong hộ gia đình, người làm việc, quản lý nơi lưu trú của người được cách ly:

- Hàng ngày hạn chế tiếp xúc với người được cách ly, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi cần tiếp xúc.

- Hàng ngày lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa ở gia đình, nơi lưu trú bằng xà phòng hoặc các chất khử trùng hoặc chất tẩy rửa thông thường.

- Giúp đỡ, động viên, chia sẻ với người được cách ly trong suốt thời gian cách ly.

- Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi khi người được cách ly có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.

- Hỗ trợ phương tiện vệ sinh, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, khẩu trang cho người được cách ly, nếu có yêu cầu.

- Không tổ chức hoạt động đông người tại gia đình, nơi lưu trú.

VĂN PHÒNG CÔNG TY

 



Tin khác:


Dấu chân người lính Truyền tải






Lượt truy cập:
web
analytics