EVNNPT đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

Nguy cơ vận hành bất ổn

Ngày đăng: 8/17/2020 2:08:55 PM

Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) đang tập trung xây dựng phát triển lưới điện truyền tải để việc quá tải ở lưới điện truyền tải sẽ không xảy ra trong những năm tới. Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là sự xuất hiện của nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) tham gia hệ thống lưới điện đã gây ra không ít những yếu tố bất lợi trong vận hành.

Kiểm tra vận hành trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm - trạm mới được EVNNPT nâng công suất để giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn.

Lưới điện truyền tải đi trước một bước
 
Giám đốc Truyền tải điện Ninh Thuận Nguyễn Phùng Dũng cho biết, để giải tỏa công suất năng lượng tái tạo cho các dự án trên địa bàn, từ tháng 10-2019, EVNNPT đã cho triển khai nâng công suất máy biến áp TBA 220 kV Tháp Chàm từ một máy biến áp 250 MVA lên hai máy biến áp 250 MVA nên hiện nay công suất truyền tải vào giờ cao điểm chỉ đạt từ 60% và đường dây truyền tải cũng ở mức tương tự.
 
Cũng trong năm 2019, EVNNPT đã cho chuyển đổi đấu nối từ Vĩnh Tân về Quán Thẻ và từ Vĩnh Tân về Nhị Hà để tiếp nhận công suất điện mặt trời của các nhà máy điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận với công suất tiếp nhận cao nhất là 600 MW. Từ tháng 4-2020, TBA 220 kV Phan Rí (250 MVA) xây dựng mới cũng được đưa vào vận hành để gom công suất nguồn năng lượng tái tạo ở khu vực Phan Rí từ phía lưới điện 110 kV lên 220 kV; chuyển đổi đấu nối Vĩnh Tân đi Nhà máy điện mặt trời Hồng Phong để tiếp nhận 300 MW từ nhà máy này.
 
Dự kiến, đến quý IV năm nay sẽ bổ sung một máy biến áp công suất 250 MVA, nâng tổng công suất tại TBA Phan Rí lên 500 MVA để giải phóng triệt để nguồn năng lượng tái tạo từ phía lưới điện 110kV.
 
Theo Phó Giám đốc Truyền tải điện Bình Thuận Nguyễn Văn Phong, hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận chưa có TBA và đường dây 220 kV nào vận hành trong tình trạng quá tải. Về cơ bản lưới điện truyền tải đáp ứng được việc giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo trên hệ thống điện cả nước.
 
Tuy nhiên, để ngăn ngừa nguy cơ khả năng đầy và quá tải đường dây truyền tải sẽ xuất hiện, làm ảnh hưởng đến công tác vận hành và chỉ số tổn thất điện năng, EVNNPT đang gấp rút triển khai dự án trọng điểm xây dựng TBA 220 kV Ninh Phước và đấu nối nhằm góp phần giải tỏa công suất các nguồn NLTT.
 
Được khởi công vào tháng 12-2019, TBA 220kV có quy mô công suất 2 x 250 MVA, được xây dựng tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận với mục tiêu thu gom công suất nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực Bình Thuận, Ninh Thuận để truyền tải lên hệ thống truyền tải điện quốc gia, bảo đảm cung cấp điện cho các tỉnh, thành phố phía nam và cải thiện điện áp lưới điện 110 kV khu vực, góp phần quan trọng giảm tổn thất điện năng trong giai đoạn tới.
 
Vận hành và điều độ cùng… khó
 
Trưởng Trạm biến áp 500 kV Vĩnh Tân Nguyễn Phan Thanh Lâm cho biết, đã hai năm nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận chưa có trận mưa nào, nhiệt độ trung bình từ 38 độ C. Khi điện mặt trời phát lên lưới truyền tải với công suất cao sẽ xuất hiện tình trạng đầy tải các máy biến áp, khiến cho các mối nối, thiết bị phát nhiệt cao nên công tác kiểm tra thiết bị phải thực hiện thường xuyên để kịp thời phát hiện khiếm khuyết, ngăn ngừa sự cố.
 
Thêm nữa, lưới điện truyền tải hiện hữu trên địa bàn được xây dựng trước đây chỉ nhằm cung cấp điện cho Ninh Thuận, nên việc công suất từ nguồn NLTT, đặc biệt là điện mặt trời triển khai ồ ạt và đi vào vận hành trong thời gian ngắn dẫn đến lưới điện truyền tải chưa thể đáp ứng một cách ổn định, khiến cho việc sửa chữa bảo dưỡng hết sức khó khăn, chủ yếu phải thực hiện vào ban đêm. Như vậy, để các nhà máy điện mặt trời không giảm phát, các công nhân truyền tải điện đã phải chấp nhận độ rủi ro cao khi thực hiện sửa chữa bảo dưỡng đường dây vào ban đêm.
 
Việc nâng công suất máy biến áp để giải tỏa công suất NLTT không làm tăng thêm sản lượng truyền tải của các đơn vị truyền tải, ngược lại còn giảm đi vì công-tơ đo đếm sản lượng nhận không được tính (tức là giao qua máy biến áp). Do sản lượng truyền tải chỉ được tính khi truyền tải sản lượng từ cấp điện áp 220 kV xuống 110 kV (tức là giao sản lượng cho các tổng công ty điện lực), còn sản lượng từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo “đẩy” lên hệ thống truyền tải không được tính là sản lượng truyền tải, do sản lượng này Công ty Mua bán điện xác nhận và thanh toán, các đơn vị truyền tải chỉ được tính chi phí trên sản lượng của các nhà máy năng lượng tái tạo. Tiếp nhận công suất NLTT sẽ làm tăng tổn thất điện trên lưới do truyền tải tăng cao, nhất là vào cao điểm phát của các nhà máy điện mặt trời từ 11 giờ đến 14 giờ hằng ngày. Phương thức vận hành có NLTT do đó cũng làm tăng thêm tổn thất điện năng bởi các đường dây mang tải không đồng đều trong khi phương thức lại phụ thuộc vào tình trạng hệ thống điện quốc gia và do phía các đơn vị điều độ điều hành.
 
Rõ ràng, sự phát triển quá nhanh nguồn NLTT đã gây ra một số thách thức về giải tỏa công suất; điều độ, vận hành hệ thống điện. Chúng ta cũng chưa có đủ nguồn dự phòng, hệ thống tích trữ năng lượng để tích hợp NLTT ở quy mô lớn, thêm nữa chính sách phát triển loại hình năng lượng này còn nhiều bất cập như không được áp dụng trong thời gian dài; chưa có cơ chế thu hút vốn đầu tư phát triển NLTT thông qua cơ chế đấu thầu;…
 
Không thể phủ nhận thực tế, NLTT góp phần quan trọng trong việc cung cấp điện, tuy nhiên, nó chưa thay thế được các nguồn điện truyền thống, thậm chí còn phụ thuộc vào nguồn điện truyền thống để bảo đảm vận hành an toàn, liên tục và chất lượng.
 
Cùng với phát triển cánh đồng điện mặt trời thì điện mặt trời mái nhà cũng đang phát triển mạnh. Tính đến ngày 31-5-2020, cả nước đã có khoảng 37.000 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 653 MW. Đây là mô hình mang lại rất nhiều lợi ích cho chủ đầu tư và ít gây sức ép về phát triển lưới điện truyền tải. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật cho điện mặt trời mái nhà. Đây là vấn đề cần được quan tâm, vì ảnh hưởng rất lớn đến việc vận hành hệ thống lưới điện trung, hạ áp trong thời gian tới.
Thanh Mai
(Nguồn: https://nhandan.com.vn/chuyen-de-cuoi-tuan)
Nguy cơ vận hành bất ổn



Tin khác:


Dấu chân người lính Truyền tải






Lượt truy cập:
web
analytics