EVNNPT đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

Nguyễn Đức Uyển: Người Đảng viên với hai màu áo lính

Ngày đăng: 9/17/2020 2:40:17 PM

Sinh ra và lớn lên tại Gia Bình – Bắc Ninh, vùng đất xứ Kinh Bắc từ lâu được biết đến là nơi hội tụ của “mỹ tục khả phong”, “địa linh, nhân kiệt” với giàu truyền thống lịch sử, khoa bảng và cách mạng. Trong những ngày đất nước sục sôi với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tin thắng trận từ Tây Nguyên, Đà Nẵng liên tiếp tràn về, ngày 9/4/1975, anh thanh niên Nguyễn Đức Uyển viết đơn xin nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi với bầu nhiệt huyết căng tràn, quyết cống hiến thanh xuân cho Tổ quốc.

Đồng chí Nguyễn Đức Uyển, hiện đã nghỉ công tác theo chế độ hưu trí và sinh hoạt tại địa phương.

Năm 1978-1979, anh được cử đi học tại lớp trung cấp Quản lý kinh tế Quân khu V. Sau khi tốt nghiệp, nhận phân công công tác tại tiểu đoàn 407 thuộc bộ chỉ huy quân sự tỉnh Phú Khánh với vị trí trợ lý hậu cần và huấn luyện chiến sỹ mới. Trong suốt những năm từ 1982 đến 1987, anh đã nhiều lần đưa từng đoàn tân binh cùng vật tư quân dụng vượt mưa bom bão đạn kịp thời chi viện cho chiến trường K khốc liệt. Với những nỗ lực, phấn đấu và rèn luyện, tháng 4/1987, anh được vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng cộng sản Việt Nam trong màu áo anh bộ đội cụ Hồ

Tận mắt chứng kiến những hy sinh anh dũng của đồng đội trước mũi súng của quân Khmer Đỏ, đã nhiều lần anh xin được ở lại chiến trường, xông pha trên tuyến đầu chiến đấu. Trong một lần như vậy, anh nhận được những chia sẻ từ tâm can của chính ủy. Ông nói: “ Chúng tôi ghi nhận nhiệt huyết chiến đấu, không ngại hy sinh của đồng chí. Nhưng thiên chức của quân nhân là phục tùng mệnh lệnh, là tôn trọng kỷ luật. Đảng. Quân đội giao cho mỗi người một nhiệm vụ riêng. Đồng chí ở lại, quân ta chỉ thêm một khẩu súng, một đường đạn, nhưng đồng chí về đơn vị, làm tốt nhiệm vụ huấn luyện, quản lý vật tư, kịp thời bổ sung cho chiến trường, khi đó quân ta có thêm hàng trăm khẩu súng, hàng trăm chiến sỹ tinh nhuệ, chiến thắng sẽ gần hơn, tổn thất sẽ giảm bớt”. Chính tâm tư của vị chỉ huy đã làm thay đổi suy nghĩ của người đảng viên trẻ Nguyễn Đức Uyển:  nhiệm vụ nào cũng vinh quang, phải nỗ lực, bằng mọi giá hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tháng 9/1990, đội truyền tải điện (TTĐ) Phú Yên  được thành lập, anh bén duyên với ngành điện, chia tay với màu áo bộ đội cụ Hồ, anh khoác lên mình một màu áo mới: “lính truyền tải điện” . Khi ấy, trên địa bàn tỉnh Phú Yên chưa hề có lưới điện cao áp. Với biệt danh truyền tải điện không dây” , dưới sự quản lý của cố đội trưởng Đoàn Ngọc Sơn, đội TTĐ Phú Yên nhận nhiệm vụ quản lý, giám sát thi công đường dây 110kV Tuy Hòa – Nha Trang và TBA 110kV Tuy Hòa. Những ngày đầu thành lập, đội chỉ vẻn vẹn có 7 người, vốn có kinh nghiệm công tác vật tư, anh được giao nhiệm vụ quản lý vật tư thi công đường dây và TBA kiêm nhiệm tổ trưởng tổ bảo vệ và quản lý kho.

Hôm trước hàng ngày bầu bạn với vũ khí, AK, đạn dược, hôm nay lại làm quen với xà, sứ, bulông, tiếp địa, hai công việc khác nhau, hai môi trường khác nhau đã khiến anh gặp không ít khó khăn. Càng những lúc như vậy, tính tiên phong, gương mẫu, tinh thần vượt khó của người đảng viên càng phát huy vượt bậc. Vừa làm, vừa học, cuốn sổ tay vật tư chi chít những ghi chép mà chỉ bản thân anh đọc vào mới hiểu. Anh kể: có những hôm vật tư nhập về vài mươi tấn đủ chủng loại, nào xà lắp cột, hàng trăm chuỗi sứ đỡ, sứ néo, hàng nghìn loại bu lông. Giữa trưa nắng như đổ lửa anh cùng đồng nghiệp phân loại cụ thể để kịp thời cấp cho các đội thi công kịp tiến độ, đêm về phải tổ chức tuần tra, bảo vệ, đề phòng kẻ gian đánh cắp vật tư, thiết bị.

Nhân sự ít, chỉ thành lập tổ Đảng trực thuộc, để duy trì sinh hoạt, hàng tháng anh và 2 đảng viên khác vượt hơn 100km ra để họp định kỳ cùng chi bộ TTĐ Bình Định. Khi những trạm biến áp 110kV được xây dựng, đưa vào vận hành, đội ngũ CBCVN lớn mạnh, chi bộ Đảng được thành lập, với vai trò là phó bí thư, anh được phân công  là người giáo dục dìu dắt hàng chục đoàn viên ưu tú đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Đức Uyển, tham gia bầu cử tại Đại hội Chi bộ TTĐ Phú Yên, khi còn đang công tác

Năm 2007, khi tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia được thành lập, chia tay với đa số cán bộ công nhân viên, đảng viên sang công tác tại công ty lưới điện cao thế. TTĐ Phú Yên tiếp nhận hàng loạt công nhân, kỹ sư trẻ, anh lại được tín nhiệm giao một cương vị mới: tổ trưởng tổ tổng hợp (sau này là trưởng phòng tổng hợp). Kể từ đó, hàng ngày, tại văn phòng TTĐ Phú Yên, người đàn ông mái tóc hoa râm thường là người đến sớm nhất và về muộn  nhất. Anh tâm sự: công việc mới, nhiều yêu cầu đề ra, mình phải đọc, hiểu về cách soạn thảo văn bản, những nghị định, quy định, thông tư các ban ngành liên quan như phòng cháy chữa cháy, kiểm tra sức khỏe, chế độ bảo hiểm… mà làm cho đúng, cho phù hợp.

Giai đoạn ấy, trực bảo vệ tại 2 địa điểm: văn phòng và kho của cơ quan vẫn là 4 công nhân viên TTĐ thuộc tổ tổng hợp quản lý. Những dịp lễ tết, không đủ số lượng trực, phải tăng cường công nhân của đội TTĐ Tuy Hòa. Kể từ khi vào làm việc, gần 10 năm, không thấy anh về quê ăn Tết, tôi có hỏi. Anh trả lời rất thật: Mình là đảng viên, là quản lý, ngày Tết vào trực một hai vòng ca là thêm một người được nghỉ phép về quê với gia đình. Anh em ngoài tuyến vất vả cả năm, nên tạo điều kiện về tinh thần cho họ có động lực làm việc. Suy nghĩ tưởng chừng rất đơn giản, nhưng đầy nhân văn ấy để lại trong tôi không ít xúc động và tự vấn.

Công tác hành chính tổng hợp được số hóa ngày càng cao, đòi hỏi nhiều kỹ năng về máy tính, công nghệ thông tin, anh xin từ chức dù nhận được nhiều lời khuyên của đồng nghiệp. Khi ấy anh Nguyễn Duy Ngọ là giám đốc TTĐ Phú Yên tâm sự với anh: Đồng chí cũng chỉ còn vài năm nữa là hết tuổi, cứ yên tâm làm việc, có gì khó khăn, anh em họ hỗ trợ. Nhưng anh nhất mực khẳng khái: “Mình là đảng viên, phải vững vàng tư tưởng chính trị, không đáp ứng được công việc, phải nhường lại cho lớp trẻ, họ nhanh hơn, nhạy hơn, công việc sẽ chính xác, trôi chảy hơn”.

Những lúc ngoài công việc, anh hay tâm sự với các bạn công nhân trẻ: Các em phải tự hỏi và tự hào khi cộng đồng gọi chúng ta là “lính truyền tải điện”. Từng là bộ đội, anh hiểu rõ, chúng ta và người lính có quá nhiều nét giống nhau. Với quân đội, kỷ luật là sức mạnh, với chúng ta, tuân thủ quy trình, quy phạm là tiêu chí sống còn, một thoáng chủ quan có thể trả giá rất đắt mà không bao giờ có cơ hội sửa sai. Với người lính, không tiếc thanh xuân để bảo vệ tổ quốc, thì mỗi chúng ta tận tâm, trách nhiệm là yếu tố tiên phong đảm bảo dòng điện an toàn, liên tục. Với bộ đội thì tình quân dân như cá với nước, với chúng ta, tôn trọng, yêu thương cộng đồng sẽ nâng cao ý thức bảo vệ an toàn hành lang lưới điện. Lối hành văn mộc mạc, giản dị, đậm chất lính nhưng đầy thuyết phục ấy đã góp phần giáo dục tư tưởng chính trị và khơi dậy tinh thần say mê công việc của nhiều công nhân trẻ tại đơn vị.

Năm 2017, khi đã hoàn thành nhiệm vụ, nhận quyết định hưu trí, anh chia tay đơn vị trong sự quyến luyến của tất cả mọi người. Dù đã nghỉ ngơi, nhưng anh vẫn dõi theo từng hoạt động của đơn vị. Hàng ngày vẫn thường xuyên vào các trang web cập nhật tin tức, sự phát triển của công ty, tổng công ty. Đồng nghiệp, bạn bè đến cơ quan công tác ai cũng thăm hỏi về sức khỏe, cuộc sống của anh. Bỡi lẽ với mọi người, anh là một đảng viên, một đồng nghiệp giản dị, tận tâm và đầy mẫu mực.

Thời gian có thể làm nhòa đi nhiều thứ, những với một con người, nhân cách đẹp luôn là chân giá trị tồn tại vĩnh viễn. Và anh Nguyễn Đức Uyển – Người đảng viên với hai màu áo lính – là một con người như vậy.

Nguyễn Duy Minh Khang



Tin khác:


Dấu chân người lính Truyền tải






Lượt truy cập:
web
analytics