EVNNPT đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

Người trưởng trạm đầy nhiệt huyết và sáng tạo

Ngày đăng: 8/17/2020 1:52:07 PM

TBA 500kV Pleiku thuộc công trình đường dây 500kV ra đời, khi đó Nguyễn Hải Đăng mới là cậu bé 10 tuổi. Ước mơ được chinh phục thiên nhiên để vươn tới đỉnh cao của tri thức đã thôi thúc Đăng đến với ngành điện.

Anh Nguyễn Hải Đăng - Trưởng Trạm biến áp 500kV ĐăkNông

Ước mơ đó đã trở thành hiện thực khi năm 2008, tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Nguyễn Hải Đăng về làm việc tại Trạm biến áp 500kV Pleiku.
 
Khi Nguyễn Hải Đăng về “500kV Pleiku” thì Trạm tròn 14 năm vận hành, nhưng Đăng cũng như những kỹ sư cùng trang lứa “khắc cốt, ghi tâm” công lao to lớn của lớp cha anh – những người đã làm nên lịch sử ngành điện với sự kiện được diễn ra tại trạm biến áp mà Đăng về nhận nhiệm vụ, đó là sự kiện TBA 500kV Pleiku được đóng điện  thành công  với cấp điện áp 500kV đã đánh dấu một mốc son lịch sử của TBA 500kV Pleiku cũng như của ngành điện Việt Nam. Đây là bước quan trọng để đến thời điểm 19 giờ 6 phút ngày 27-5-1994, tại Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra lệnh hòa hệ thống điện Miền Nam với 4 tổ máy của nhà máy thủy điện Hòa Bình tại trạm 500kV Đà Nẵng qua đường dây 500kV, hai hệ thống điện Nam – Bắc được hòa chung trên hệ thống đường dây 500kV, nối liền hệ thống điện trên toàn quốc thành một khối thống nhất. Hệ thống điện siêu cao áp 500kV của Việt Nam và TBA 500kV Pleiku chính thức được đưa vào vận hành.
 
Hoàn thành tốt nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao là điều mà Nguyễn Hải Đăng xác định khi nhận nhiệm vụ cán bộ kỹ thuật công tác an toàn tại Trạm biến áp 500kV Pleiku. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Quảng Trị nổi tiếng là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt với đủ các loại hình thiên tai tàn phá hằng năm, bão tố, lũ ngập, lũ quét, hạn hán, mất đồng… Dải đồng bằng hẹp như lá lúa nằm kẹp giữa một bên là vùng gò đồi choãi ra tận bể, một bên là miên man cát trắng, Đăng phải nỗ lực gấp nhiều lần so với những học sinh, sinh viên nơi khác. Nên, mặc dù, chỉ làm việc ở Trạm biến áp 500kV Pleiku vỏn vẹn 6 tháng nhưng Nguyễn Hải Đăng đã khẳng định được trình độ chuyên môn và bản lĩnh của người kỹ sư an toàn.
 
Năm 2010, Truyền tải điện Đăk Nông được thành lập, Nguyễn Hải Đăng được chọn, điều động về làm “hạt giống đỏ” ở nơi này và tháng 4-2012, anh tiếp tục được điều động về Trạm biến áp 500kV Đăk Nông giữ chức vụ Phó trạm; năm 2018, Nguyễn Hải Đăng đảm nhận vị trí Trưởng trạm.
 
Truyền tải điện Đăk Nông được thành lập vào tháng 6-2010, là thời điểm Trạm biến áp 500kV Đăk Nông bước vào giai đoạn cuối cùng của việc xây dựng, sẵn sàng đóng điện vận hành, giải tỏa lượng công suất hơn 1.000 MW của các Nhà máy thủy điện khu vực Tây Nguyên. Vì vậy, “500kV Đăk Nông” có vị trí quan trọng trong vận hành Hệ thống điện Quốc gia và đặc biệt, giúp giảm bớt tình trạng thiếu điện của cả nước. 
 
Ba năm đầu vận hành, Trạm đã xảy ra 5 sự cố. Với vai trò, vị trí then chốt của Hệ thống truyền tải điện khu vực miền Trung Tây Nguyên, việc để xảy ra sự cố vì bất kỳ lý do gì cũng đều gây tổn thất, thiệt hại cho ngành và nền kinh tế, vì vậy, Nguyễn Hải Đăng nghiên cứu, tìm tòi đặc điểm khí hậu vùng miền có tác động đếnthiết bị và công tác vận hành để từ đó đưa ra các giải pháp mang tính chất đặc thù. Thời tiết Tây Nguyên có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, mỗi mùa kéo dài 6 tháng. Mùa mưa thì mưa liên tục trong nhiều ngày gây ngập úng cục bộ, nếu thoát nước không tốt (thoát nước mương cáp) sẽ có nguy cơ gây chạm chập thiết bị ngoài trời. Mùa khô gió mạnh kéo theo nguy cơ các vật dễ bay từ nhà dân xung quanh bay vào trạm, như: Bạt lớn trong sản xuất nông nghiệp, mái tôn...Vì vậy, hàng năm, trước mùa khô, anh em trong trạm đi kiểm tra và giúp dân chèn chống các mái nhà bằng tôn, cũng như các vật dễ bay khác.

Anh Nguyễn Hải Đăng trong công tác QLVH tại TBA 500kV ĐăkNông
Cái khắc nghiệt của thời tiết Tây Nguyên như càng làm tăng thêm nỗi khó khăn, vất vả của những người lính truyền tải ở thành phố chưa đầy 1 tuổi (Gia Nghĩa được công nhận thành phố vào tháng 1-2020). Nhưng những khó khăn về thời tiết không phải là duy nhất. Điều kiện về kinh tế, văn hóa-xã hội, y tế, trình độ dân trí...thấp hơn so với các thành phố khác trong cả nước, dẫn tới, chỉ tuyển dụng được nhân sự có chuyên môn tốt mới vào nghề, sau một thời gian, những người có chuyên môn tốt sẽ chuyển đi nơi khác có điều kiện sống tốt hơn. Số ở lại, thường có trình độ chuyên môn non, năng lực hạn chế.
 
Tôi đặt câu hỏi với Trưởng trạm Nguyễn Hải Đăng: Với đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân như vậy, tại sao lại có kết quả công việc, thậm chí tốt hơn các đơn vị có điều kiện tốt hơn?
 
Không có chút gì mang tính chất kể lể thành tích, Nguyễn Hải Đăng nhẹ nhàng thủ thỉ: Là người đứng đầu đơn vị, mình phải thấu hiểu, cho dù vì lý do gì thì những người ở lại là họ đã xác định gắn bó với mảnh đất đầy khó khăn này. Vì vậy, phải làm sao để họ lấy tinh thần và trách nhiệm trong công việc bù lại trình độ chuyên môn. 
 
Trạm biến áp 500kV Đăk Nông có 18 CBCNV và Nguyễn Hải Đăng ở vào lứa tuổi trung bình của trạm, nhưng anh luôn lắng nghe tâm tư tình cảm và hoàn cảnh của tất các anh em trong trạm, từ người trẻ nhất sinh năm 1977 đến những người lớn tuổi có thâm niên trong quản lý vận hành để bố trí công việc giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đây chính là yếu tố tạo sức mạnh đoàn kết, nền tảng xây dựng một tập thể vững mạnh để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
 
Cá nhân Nguyễn Hải Đăng, anh luôn xác định phải trau dồi, nghiên cứu, học hỏi để có chuyên môn tốt. Vợ con anh hiện đang sinh sống tại thành phố Buôn Mê Thuột (tỉnh Đăk Lăk)cách nơi anh làm việc 130km nên nếu không có công việc đột xuất thì 1 tháng anh mới về thăm vợ con 1 lần. Thời gian nghỉ, anh đọc, nghiên cứu thiết bị qua các bản vẽ, các trang catalo thiết bị của nhà cung cấp, các quy định, quy trình, tìm hiểu sự cố của các đơn vị trong Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia và trong Công ty Truyền tải điện 3 để liên hệ với thực tế của Trạm, từ đó, đưa ra các giải pháp để không lặp lại các sự cố tương tự... Những ngày nắng như đổ lửa, không khí hanh khô cháy khát cổ họng, da nhuộm đen, Nguyễn Hải Đăng vẫn bám sát trạm không dời để thường xuyên theo dõi quan sát thiết bị, xu hướng thiết bị lập kế hoạch sửa chữa những thiết bị đến hạn. Với việc thực hiện giải pháp nâng cao độ tin cậy của bảo vệ nội bộ, nên khi tiếp điểm trip của đồng hồ nhiệt độ cuộn dây hạ áp bị chạm chập vẫn không dẫn tới sự cố.
 
Có một điều rất lạ là chim trời thường kéo về làm tổ ở các trạm biến áp điện. Việc chim trời mang theo rơm, các sợi dây nhỏ về làm tổ trên thiết bị trạm, tiềm ẩn nguy cơ gây sự cố. Những năm trước, anh em trong trạm phải đăng ký cắt điện 1 đến 2 lần/năm để xử lý. Việc cắt điện lưới 220kV sẽ phải tạm ngừng cung cấp điện diện rộng, vì vậy, Nguyễn Hải Đăng cùng anh em tìm tòi, học hỏi để tìm ra biện pháp tránh chim bằng cách sử dụng mạch tạo âm thanh tự động để xua đuổi, kết hợp sử dụng các đoạn lưới bắt đuổi chim khu vực xung quanh trạm. 
 
Để chống chạm chập thiết bị, Nguyễn Hải Đăng và anh em đã làm kín bằng silicon các tủ bảng, đấu dây, tủ điều khiển, hộp đấu nối thiết bị và các thiết bị ngoài trời; gia công và lắp các hộp che mưa cho các thiết bị bảo vệ nội bộ của máy biến áp, rơ le...; chèn cách điện, ngăn các hàng kẹp mạch; dán bẫy thằn lằn, côn trùng trong các tủ bảo vệ, rơ le...Kết quả, 6 năm liên tục, Trạm biến áp 500kV Đăk Nông giữ vững thành tích không để xảy ra sự cố.
 
Nếu ai đó đã gặp Nguyễn Hải Đăng dù chỉ một lần cũng đều nhận thấy ở anh một người kỹ sư điện mẫn cán và một Trưởng trạm có một ý chí quyết tâm và khả năng lao động trí óc. Từ năm 2008 đến nay, trong vòng 12 năm, từ một kỹ sư mới ra trường, anh trưởng thành qua mỗi vị trí công tác để rồi giờ đây trở thành Trưởng trạm 500kV Đăk Nông – mắt xích quan trọng trọng Hệ thống điện Quốc gia. Nói thì ngắn gọn vậy, nhưng để làm được điều đó trong một ngành yêu cầu cao về chất xám không hề đơn giản. Với bầu nhiệt huyết và tinh thần dám nghĩ dám làm, đầy tự tin và sáng tạo, Nguyễn Hải Đăng đã tình nguyện gắn bó với vùng đất khó khăn nhất của Tây Nguyên, lăn xả vào công việc với quyết tâm mãnh liệt là gây dựng lên hình ảnh người lính truyền tải điện. Với sự miệt mài, cần mẫn trong công việc cùng với sự tận tâm yêu nghề, Nguyễn Hải Đăng đã trở thành một người trạm trưởng đầy năng động và sáng tạo. Nguyễn Hải Đăng đã dần thực hiện thành công những hoài bão của mình và luôn nhận được sự động viên khuyến khích của cấp trên và anh em đồng nghiệp. Kết quả, 6 năm liền không để xảy ra sự cố là một minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của tập thể CBCNV trạm 500kV Đăk Nông mà người đứng đầu là Trưởng trạm Nguyễn Hải Đăng.
 
Không tự bằng lòng với chính mình bởi Nguyễn Hải Đăng luôn ý thức rằng cuộc sống là chuỗi những ngày phải học hỏi, lao động và sáng tạo. Anh tự ý thức sâu sắc điều này và coi đó là kim chỉ nam để tiếp thêm sức mạnh cho anh phấn đấu trên sự nghiệp của mình.
 
Gặp gỡ và chia tay Trưởng trạm 500kV Đăk Nông Nguyễn Hải Đăng vào một buổi chiều của mùa mưa Tây Nguyên, trong lòng tôi cảm thấy ấm áp lạ thường vì biết được nhiều điều thú vị về một con người trẻ tuổi đầy chất lửa nhiệt tình, sáng tạo trong công việc.
Thanh Mai
(Nguồn: http://icon.com.vn)



Tin khác:


Dấu chân người lính Truyền tải






Lượt truy cập:
web
analytics