EVNNPT đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

Về với Đồng Xuân – cái nôi phong trào cách mạng Phú Yên

Ngày đăng: 7/28/2022 5:13:12 PM

Những ngày tháng Bảy, cả nước lại nghiêng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã hi sinh vì nền hòa bình, độc lập và tri ân những thương, bệnh binh, những người trở về sau đạn bom khói lửa, để lại một phần máu xương nơi chiến trường để bảo vệ bình yên cho Tổ Quốc.

Chụp hình lưu niệm tại di tích lịch sử cấp Quốc gia - nhà đồng chí Phan Lưu Thanh, nơi tổ chức hội nghị thành lập chi bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam đầu tiên tại Phú Yên

Kỷ niệm 75 năm ngày thương binh - liệt sỹ (27/7/2047 – 27/7/2022), cùng với các chiến sỹ phòng tham mưu công an tỉnh Phú Yên và công an huyện Đồng Xuân, cán bộ công nhân viên Truyền tải điện Phú Yên tổ chức hoạt động về Nguồn, thăm, tặng quà 06 gia đình thương bệnh binh, tu tạo, dâng hương nghĩa trang liệt sỹ huyện Đồng Xuân và viếng mộ, thăm di tích lịch sử cấp quốc gia, nơi tổ chức hội nghị, thành lập chi bộ Cộng Sản Việt Nam đầu tiên của tỉnh Phú Yên - nhà của đồng chí Phan Lưu Thanh - bí thư tỉnh ủy Phú Yên đầu tiên thuộc thôn Phước Long, xã Xuân Long, (nay thuộc thị trấn La Hai) - huyện Đồng Xuân.

Đến thăm, trò chuyện với các bác thương binh, chúng tôi mới nhận thấy rõ ý nghĩa câu nói của chủ tịch Hồ Chí Minh: "Thương binh tàn nhưng không phế". Có một điểm chung từ các bác rất đặc biệt là dù sức khỏe không còn tốt, trí nhớ không còn minh mẫn, nhưng trong từng câu nói vẫn đậm chất người bộ đội cụ Hồ, bất khuất, kiên trung, đầy kiêu hãnh. Tiễn chúng tôi ra cửa, trên đôi nạng gỗ, bác Trương Quang Trung, thương binh hạng ¼ bỗng nói: “cảm ơn các cháu rất nhiều, từ trước đến giờ, ngoài chính quyền địa phương, đây là lần đầu tiên bác được các thợ điện đến thăm, tặng quà. Bác và gia đình vui lắm!”. Nghe tâm sự của bác, tâm trạng chúng tôi chợt xen lẫn vui buồn. Vui vì mang đến bác món quà tinh thần nhân, buồn vì cảm thấy sức lực mình nhỏ bé, không chăm sóc được nhiều hơn nữa với hàng trăm, hàng nghìn thương binh tại địa phương trong ngày tri ân đối với các bác, các chú - ngày thương binh liệt sỹ.

Thăm và tặng quà gia đình bác Trương Quang Trung - thương binh hạng 1/4 tại thị trấn La Hai

Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là nhà của đồng chí Phan Lưu Thanh, tại khu trưng bày các bức ảnh, các kỷ vật về sự thành lập, đấu tranh, xây dựng và bảo vệ tổ quốc của tỉnh ủy Phú Yên qua các thời kỳ, chúng tôi đã được nghe hướng dẫn viên kể lại về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phan Lưu Thanh.

Sinh năm 1906, là con trai của một gia đình giàu có bậc nhất trong vùng, 20 tuổi, người thanh niên Phan Lưu Thanh đã sở hữu xe hơi riêng, sở hữu ruộng đồng cò bay thẳng cánh. Tuy nhiên, với hiện thực trước mắt là đất nước bị xâm lược, nhân dân bị nô dịch, triều đình phong kiến yếu hèn, bỏ qua những cám dỗ vật chất, phớt lờ cuộc sống giàu sang, những viễn cảnh mà thực dân Pháp hứa hẹn, đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, đem chí trai đền nợ nước dù cho cuộc đời cách mạng: “dấn thân vô là phải chịu tù đày/ Là gươm kề tận cổ, súng kề tai”. (trích Thơ Tố Hữu)

Khí tiết, sự cống hiến, hy sinh cho Tổ Quốc của người thanh niên yêu nước, người cộng sản kiên trung, người bí thư tỉnh ủy Phú Yên đầu tiên Phan Lưu Thanh khiến chúng tôi thấy mình quá nhỏ bé, qua tầm thường khi chính bản thân nhiều khi còn đòi hỏi chút tư lợi, chút cá nhân. “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta, hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ Quốc hôm nay”, phải làm được điều này, chúng tôi và tất cả chúng ta mới xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của các bậc tiền nhân cho một Việt Nam tự do, độc lập.

Thắp nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Đồng Xuân

Về với nghĩa trang Đổng Xuân, nằm bên cánh đồng gió mát, với lũy tre xanh rì rào, vỗ về giấc ngủ các liệt sỹ đã hy sinh trong những cuộc chiến tranh vệ quốc. Chúng tôi, không ai bảo ai, đều rất khẽ, nhẹ nhàng lau từng tấm bia, tu tạo từng ngôi mộ như sợ kinh động đến giấc ngủ các anh, các chị.

Xót xa, xúc động đó là những cảm giác của tất cả chúng tôi khi ngồi trước những bia mộ không một dòng thông tin. Các anh, các chị, những thanh niên yêu nước, khi ngã xuống, được quy tập về nơi an nghỉ, không ai có thể biết được dù chỉ một một cái tên. Dù rằng, hàng ngày, gia đình, người thân vẫn đêm ngày mong ngóng qua những nhịp cầu như Nhắn tìm đồng đội.

Đây không phải là lần đầu, chúng tôi ngồi, chăm sóc các phần mộ liệt sỹ như vậy, như dù bao nhiêu lần trải qua, cảm xúc vẫn vẹn nguyên. Chiếc loa phát thanh địa phương chợt vang lên câu hát: "Về đây, các anh ơi hãy về đây! Về nghe mẹ ru, về nghe em hát. Về thăm cánh đồng trĩu nặng. Về thăm lũy tre, làng quê hương”, trái tim tất cả chúng tôi như thắt lại.

Màn đêm dần buông trên nghĩa trang, những ngọn nến tri ân, những nén tâm hương được chúng tôi thắp lên trên từng phần mộ. Hòa với giai điệu bi thương của bài Hồn tử sỹ, ánh sáng lung linh của từng ngọn nến như những ngọn lửa cách mạng trong tim mỗi một người con của Dân tộc Việt Nam, ngọn lửa ấy được thắp lên từ chính những trang lịch sử hào hùng của Đảng, của quân và dân ta, và được tiếp nối kế thừa bởi bao thế hệ trẻ hôm nay.

Đêm đã muộn, chúng tôi chia tay nhau quay về với đơn vị của mình, mỗi một người đều mang một cảm xúc khó tả. Với những người "lính truyền tải điện" chúng tôi, sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sỹ luôn là nguồn động lực nhắc nhở, thôi thúc chúng tôi tiếp nối truyền thống cha anh, hoàn thành mọi nhiệm vụ của mình, giữ vững lưới điện truyền tải vận hành an toàn liên tục, phục vụ an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội, góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường, giàu đẹp.

Phú Yên, ngày 27/7/2022

Nguyễn Duy Minh Khang



Tin khác:


Dấu chân người lính Truyền tải






Lượt truy cập:
web
analytics