EVNNPT đảm bảo truyền tải điện an toàn, liên tục, ổn định cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng và thị trường điện Việt Nam.

Tâm sự: 10 Năm Người thợ đường dây Truyền tải điện

Ngày đăng: 7/13/2018 3:12:12 PM

(Nhân dịp Kỷ niệm 10 năm Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia)

10 năm là một chặn đường
10 năm là một nấc thang cuộc đời
10 năm là những mồ hôi
10 năm là vết nhăn màu thời gian

10 năm thử thách giang nan
10 năm tuổi trẻ băng ngang núi rừng
10 năm vác nặng trên lưng
10 năm sắt thép vươn mình băng sông

10 năm qua mấy mùa đông
10 năm sỏi đá cũng trồng nên cây
10 năm ngang những tầng mây
10 năm vất vả cả ngày lẫn đêm

10 năm như nắng qua thềm
10 năm gửi lại tuổi xuân cho đời
10 năm giăng những dây trời
10 năm chắp nối ba miền ngược suôi

10 năm Truyền tải điện tôi
10 năm gian khó đi Truyền niềm tin
10 năm phấn đấu quên mình
10 năm mang những vinh quang lặng thầm

10 năm đầy những thăng trầm
Tuổi Xuân được mấy mươi năm hỡi người?

10 năm của những bạn tôi... 

Thân tặng những người thợ đường dây Truyền tải điện

7/7/2018

Mười năm là quãng thời gian không ngắn, nhưng cũng không dài so với chiều dài lịch sử của Nghành Điện.

Mười năm với tuổi trẻ lại là mùa Xuân đẹp đẽ và nhiệt quyết nhất của đời người.

Mười năm qua đi, quay đầu nhìn lại một số bạn bè đồng nghiệp đã già đi, những vết nhăn của thời gian hằn sâu trên khuôn mặt, rắn rỏi, đầy tự tin của họ. Cũng có những người bạn đã ra đi mãi mãi, để lại một tình cảm luyến lưu vô hạn và những kỷ niệm, hình ảnh vô cùng đẹp đẽ về tình bạn, tình đồng nghiệp.

Mỗi năm vào dịp Tết đến tại đơn vị tôi có một chuyến xe đi ra hướng Bắc Bình Định thăm Xuân, đến ngày đó ai cũng háo hức, cứ đều đặn như thế mấy cái 10 năm rồi, và một trong những nơi chuyến xe đi qua là gia đình, người thân của những người đồng nghiệp của chúng tôi đã mất. Như chuyến xe chở hạt mầm đầu mùa Xuân, những hạt giống tâm hồn để gieo vào tim những đồng nghiệp trẻ, những lớp người kế cận lòng nhân ái, sự biết ơn và tình đồng đội, có lẽ đó cũng là một nét Văn hóa đáng quý của người Việt ta.

Hôm qua, vào dịp hội ngộ toàn thể CBCNV để kỹ niệm 10 năm Tổng Công Ty Truyền tải điện VN (EVNNPT) 1/7/ 2008- 1/7/2018 qua cầu truyền hình nội bộ nghành Truyền tải.

Lãnh đạo EVNNPT tóm tắt lại quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của toàn Nghành Điện, trong đó ghi đậm dấu ấn 10 năm đổi mới, phát triển, hiện đại hóa của Tổng Công ty cho đến hôm nay.

Những thước phim chiếu chậm, như những ký ức gợi lại những kỹ niệm quý giá, cứ ùa về để người xem như thấy mình ở trong đó, được trở về thời mà còn Công ty " Truyền tải điện không dây" như cách nói đùa của anh BA MIÊN, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) lúc bấy giờ, khi mới hình thành, PTC3 chỉ quản lý những trạm biến áp 220kV mà chưa có 1km đường dây Siêu cao áp nào thuộc Công ty quản lý. Vài năm sau đó Truyền tải điện đã có dây dẫn , đối với mọi người từ " không dây" đến " có dây" là một sự đi lùi (!) còn đối với chúng tôi lại là một sự cố gắng và phát triển vượt bậc.

Lúc đó khi sửa chữa đường dây 220kV những người cán bộ kỹ thuật được theo sát chân anh em trên tuyến để nắm bắt, cùng nhau làm việc, những chiếc ăng ten vô tuyến điện là những dây đồng giăng giữa những cây rừng để liên lạc, báo tình hình về đơn vị và Cty. Chiều xuống chúng tôi cùng ăn, cùng ca hát, cùng ngủ trong những lều bạt dựng cheo leo giữa núi rừng vì quá xa khu dân cư vốn đã thưa thớt. Ôi thôi! Mùa mưa ẩm ướt, quần áo thì ...không khô. Nào là vắt, nào là muỗi, nào mưa rừng, gió núi... may mà chưa bị sốt rét. Cũng nhờ vậy mà tôi được chứng kiến, hiểu rõ những vất vả, gian khổ, khó khăn và nguy hiểm luôn thường trực của những người Công Nhân, người thợ đường dây Truyền tải điện, những đồng nghiệp của tôi.

Có một người em quen hỏi tôi: "tấm ảnh người Công Nhân Truyền tải leo lên dây dẫn giữa không trung nhỏ như hạt bắp không có điểm tựa, ở độ cao hàng trăm mét để làm việc trên dây dẫn điện, tấm ảnh đó có thật không vậy? Hay là kỹ xảo điện ảnh để quảng bá cho đẹp ?". Tôi trả lời rằng có thật 100% mà nó còn là tấm ảnh trong muôn vàn tấm ảnh, được lựa ra ở cái "tư thế" đẹp nhất, góc sáng đầy đủ nhất chứ không "khó coi" và làm đau lòng người xem như những tấm ảnh khác. Đó là công việc làm hàng ngày, thường xuyên của người thợ đường dây Truyền tải điện.

10 năm từ khi Tổng Công Ty Truyền tải điện Quốc gia ra đời, được kế thừa những thuận lợi và cũng nhiều khó khăn trước đó, ngay thời điểm sức ép của xã hội và Chính phủ buộc phải nâng cao hiệu quả, giảm biên chế lao động, tiết kiệm tối đa kinh phí SXKD. Lãnh đạo nghành Truyền tải đã chọn một hướng đi đúng đắn và kịp thời, một cách làm sáng tạo, khoa học và hợp với xu thế Thế giới.

Thay vì phải tìm biện pháp lựa chọn, sàng lọc, sa thải hàng nghìn CB CNV, Công Nhân lao động để giảm biên chế, đẩy gia đình họ vào những khó khăn, hụt hẫng, bất ổn, mặt khác những người ở lại, phải gánh vác toàn bộ khối lượng công việc nhiều hơn, nặng hơn và dĩ nhiên... kém An toàn hơn vì đa số thiết bị đã lạc hậu, cũ kỹ đã qua thời gian dài sử dụng. Đồng thời với điều đó, nguy cơ thất thoát chất xám, kỹ năng và kinh nghiệm, sự kế thừa là có thật...mà cái mất nhiều nhất lại là Niềm tin.

Tôi nghe có ai đó nói rằng " không có mợ thì chợ vẫn đông". Cứ sa thải hết những người cũ, già yếu, chậm chạp để nhận những người mới trẻ, khỏe vào thay thế thì càng mạnh chớ sao? Tôi xin lỗi! Nói hơi tục " đông như cái chợ nó khác đông như cái động" Đông mà có trật tự, có sự kế thừa, ngăn nắp và khoa học, đông có Văn hóa nó khác xa với cái đông của sự pha trộn cho đủ số lượng" người đó im lặng.

Anh em công nhân chúng tôi thời gian đó như ngồi trên đống lửa, tinh thần bị dao động mạnh, thật đáng mừng khi Lãnh đạo nghành truyền tải điện đã chọn cách Hiện đại hóa, nâng cao năng suất lao động bằng khoa học Công nghệ, một người làm việc năng suất bằng nhiều người với sự hổ trợ của máy móc hiện đại, bằng cách đào tạo tự đào tạo và nâng cao kiến thức, trình độ kỹ năng, chuyên môn hóa cao để quản lý các thiết bị "hại Điện" này. Phải chăng đó cũng là cách làm hàm chứa sự Văn hóa của Doanh nghiệp. Anh em Công Nhân chúng tôi không nói ra, nhưng ghi nhận cách làm đầy tính Nhân văn này của những người Lãnh đạo trẻ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Thế là Giai đoạn hiện đại hóa, nâng cao năng xuất lao động bắt đầu, thấy rõ nhất là 5 năm gần đây từ những Dao cách ly thao tác đóng cắt bằng tay, rơ le bảo vệ cơ điện cũ kỹ, cứ mỗi lần muốn cài đặt thông số thì phải cầm theo cái "tuốt nơ vít" vặn vặn, gạt gạt, gõ gõ...  đã được nhanh chóng thay thế bằng những Dao cách ly truyền động bằng động cơ, rơ le kỹ thuật số thông minh (IED), những bộ vi điều khiển-xử lý ( BCU ) bắt tay làm việc với nhau thông qua mạng thông tin, có thể điều khiển từ xa, tự động tính toán, tích hợp cả bộ định vị vị trí sự cố và đồng bộ thời gian chuẩn xác qua vệ tinh, kết nối trực tiếp với đồng hồ Quốc tế tận bên..Anh Quốc. 

Nói cho dễ hình dung, nâng cao năng suất lao động bằng cách nào? Một trạm biến áp "cổ điển" ngày trước cần đến 21 người trực vận hành. Còn trạm mới đã " hiện đại hóa" chỉ còn lại 5 người thành một tổ thao tác vận hành lưu động, quản lý toàn trạm và trong tương lai tổ thao tác vận hành này sẽ còn quản lý đồng thời nhiều trạm khác lân cận trong khoảng cách bán kính trên dưới 50km sau này (nếu có).

Như vậy nói năng suất tăng lên 3,7 lần như tổng kết 10 năm là cũng còn "khiêm tốn" lắm !!!. Để làm được như vậy không hề dễ dàng một chút nào, nếu trước mặt bạn là một đống tài liệu, Catalog, bản vẽ, hướng dẫn sử dụng bằng... tiếng Anh. Nhất là đối với những người lớn tuổi, version thấp như tôi, phải cố gắng thôi chứ biết răng chừ?

Hiện đại và tự động hóa như thế nào? Cụ thể trước đây khi thao tác đóng, cắt người vận hành phải nhận lệnh từ người điều hành hệ thống qua điện thoại, đường thông tin nội bộ ngành điện, phải đến tận nơi thiết bị thao tác đóng cắt bằng tay trên từng thiết bị. Đối với hệ thống điện ngày càng lớn, càng phức tạp thiết bị càng nhiều, phải qua nhiều khâu truyền nhận, phản hồi qua kênh thoại mất rất nhiều thời gian làm gián đoạn cung cấp điện hàng giờ, đi đôi với nó là mất sản lượng điện và kinh tế, nguy cơ mất an toàn cho con người càng nhiều. Hiện nay việc điều khiển đã được các thiết bị thông minh IED, bộ xử lý Vi điều khiển BCU mạng thông tin bảo mật cao SCADA/ EMS chuyên nghành đảm nhận, đặc biệt là do CBCNV nghành Điện làm chủ hoàn toàn công nghệ. Các thiết bị kém tin cậy, hay gây ra hiện tượng bất thường, khó kiểm soát của các nước ĐNA dần được thay thế bằng những thiết bị của các nước tiên tiến như Anh, Đức, Pháp....có độ tin cậy ngày càng cao. Việc thao tác thiết bị tại tất cả các trạm khu vực Nam Trung bộ được thực hiện từ xa tại Trung tâm điều hành hệ thống điện Miền Trung ở...tận TP. Đà Nẵng. Việc kiểm soát các thao tác sai, thao tác nhầm lẫn ngoài ý muốn, nhận diện các tín hiệu nhiễu đã được các chương trình kiểm tra, giám sát được CBCNV nghành điện lập trình chuẩn xác đảm nhiệm, an toàn và bảo mật cao. Kể ra thì ghê gớm như vậy nhưng dù quản lý số trạm nhiều hơn, rộng hơn, thiết bị nhiều hơn nhưng độ nặng nhọc công việc lại không tăng theo cấp số nhân, nhờ những thiết bị công nghệ hiện đại đã được tự động hóa hoàn toàn, việc của con người chỉ là giám sát, quản lý, xử lý tình huống bất thường và sửa chữa chúng khi hư hỏng mà thôi. Đó là về mảng trạm biến áp, còn đường dây tải điện thì việc hiện đại hóa không được thuận lợi như vậy, ngoài việc định vị chính xác vị trí sự cố đến hàng mét bằng thiết bị dò xung sự cố quá độ phản hồi thì việc thay thế dây dẫn, sứ cách điện, trụ thép là chưa thể có gì mới hơn để thay thế. Hy vọng sau này sẽ có những vật liệu siêu dẫn mới ở nhiệt độ môi trường, sứ cách điện siêu nhẹ, sứ nano tự làm sạch bề mặt để hiện đại hóa đường dây, giảm tổn thất và sức lao động. Còn bây giờ những người Công nhân đường dây vẫn còn những khó khăn dài ở phía trước.

Bởi vậy nhiều bạn cứ thắc mắc sao tôi làm ở trạm lại hay viết về người thợ đường dây Truyền tải hơn...đơn giản có lẽ vì... đó là tính chất công việc gian lao của họ tạo cho tôi nhiều cảm hứng.

Nói đến đây chắc mọi người đã hiểu tại sao nghành Truyền tải điện đã thực hiện thành công việc giảm biên chế, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí mà không phải... “đuổi” việc một người nào, độ an toàn tin cậy hệ thống, An toàn cho người Công Nhân lại tăng lên.

Nghệ thuật Lãnh đạo là nghệ thuật "truyền cảm hứng" có lẽ vậy, một hành động Nhân văn, một hoạt động Văn hóa nó có tác dụng truyền cảm hứng nhiều hơn cả những khẩu hiệu.

Điều đáng mừng là Văn hóa này đã được " luật hóa" trở thành tập Văn hóa Doanh nghiệp và phổ biến đến toàn bộ CBCNV nghành Truyền tải điện như một tiêu chuẩn bắt buộc. Tin tưởng rằng với nền tảng Văn hóa đó nhiều năm tới nghành TTĐ sẽ phát triển bền vững hơn nữa.

Nếu người ta nói rằng công nghệ 4.0 là sự kết nối của những thiết bị thông minh qua mạng toàn cầu, thì ngay lúc này đây nghành TTĐ điện có quyền tự hào đã đi trước một bước trong công cuộc hiện đại hóa để sẵn sàng (chưa kết nối vì lý do an ninh năng lượng quốc gia) và đã đưa nó vào vận hành trong thực tiển SXKD của mình.

Nguyễn Hùng Anh

TBA 220kV Phù Mỹ - TTĐ Bình Định



Tin khác:


Dấu chân người lính Truyền tải






Lượt truy cập:
web
analytics